Giảm bất bình đẳng thu nhập để giảm nghèo
Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB-XH, tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở nước ta không được thu hẹp mà còn giãn ra, phân hóa giàu nghèo gia tăng.
Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần, đến năm 2018 đã tăng lên 10 lần. Hệ số GINI (hệ số phản ánh chênh lệch thu nhập) của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 ở mức 0,4 (GINI bằng 1,00 là bất bình đẳng tuyệt đối).
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao chúng ta đã có nhiều thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, nhưng tình trạng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội lại không giảm, mà có xu hướng tăng? Lý do là vì chúng ta giảm nghèo dựa trên chuẩn nghèo do chúng ta đưa ra, và khi người dân có thu nhập vượt qua cái chuẩn nghèo ấy thì xem là đã thoát được nghèo.
Có nghĩa là thu nhập của tầng lớp thu nhập thấp đã tăng lên qua khỏi chuẩn nghèo và như thế tỷ lệ nghèo đương nhiên sẽ giảm. Thế nhưng, dù tỷ lệ nghèo giảm nhưng chênh lệch giàu nghèo không giảm, vì có thể chuẩn nghèo chúng ta đặt ra quá thấp, và khi nhóm thu nhập thấp tăng thu nhập thì nhóm thu nhập cao cũng tăng chứ không đứng yên. Nếu 2 nhóm đều có tỷ lệ tăng thu nhập bằng nhau thì khoảng cách giàu nghèo cũng tăng, vì khi đó tổng thu nhập của nhóm có thu nhập cao sẽ lớn hơn rất nhiều so với tổng thu nhập của nhóm thu nhập thấp xét về số tuyệt đối.
Theo chúng tôi, thay vì chú trọng vào việc giảm nghèo, cần có các chính sách tạo sự bình đẳng về thu nhập, tức là các chính sách kéo giảm sự chênh lệch thu nhập trong xã hội. Khi kéo giảm được sự bất bình đẳng trong thu nhập thì đương nhiên cũng giảm được tỷ lệ nghèo, nhưng nếu chỉ chăm chăm giảm tỷ lệ nghèo thì chưa chắc mang lại sự bình đẳng trong thu nhập. Có nghĩa, giảm chênh lệch giàu nghèo quan trọng hơn là giảm tỷ lệ nghèo trong xã hội.
Vậy làm sao để giảm được chênh lệch giàu nghèo? Nhiều quốc gia trên thế giới xem thuế là một trong những công cụ quan trọng nhất để tái phân phối thu nhập cho các nhóm dân cư mà theo đó, những người càng có thu nhập cao thì càng phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn.
Nhờ có nguồn thu từ việc đánh thuế mà nhà nước có thể thực hiện được các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho các tầng lớp thấp nâng cao được mức sống và chất lượng sống của mình, và điều này chắc chắn cũng làm giảm tỷ lệ nghèo đói trong xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng vào việc giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội hơn là chỉ chú trọng vào việc giảm nghèo. Giảm chênh lệch giàu nghèo thì chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ nghèo trong xã hội.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-bat-binh-dang-thu-nhap-de-giam-ngheo-607902.html