Giảm bức xúc trong xã hội, tăng chất lượng xét xử

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Hòa giải tại Tòa án là hoạt động do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật. Việc hòa giải tại Tòa án đạt hiệu quả cao sẽ góp phần giảm áp lực đối với quá trình xét xử của cơ quan tòa án; xoa dịu những bức xúc, căng thẳng trong xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp…

Cán bộ của Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh tham gia các nội dung đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn.

Cán bộ của Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh tham gia các nội dung đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn.

Bình quân mỗi năm, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh thụ lý gần 5 nghìn vụ, việc dân sự và trên 50 vụ việc hành chính. Nhiều vụ việc dân sự, hành chính phải giải quyết theo thủ tục sơ thẩm;phúc thẩm, giám đốc thẩm của TAND cấp cao nên mất nhiều thời gian, công sức, chi phí cho hoạt động xét xử. Do vậy, việc áp dụng hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án rất có ý nghĩa và cần thiết nhằm giảm số vụ phải đưa ra xét xử theo nhiều cấp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hòa giải, đối thoại do hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết các nội dung liên quan. Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính. Vụ việc dân sự, hành chính đủ điều kiện để được hòa giải, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, chỉ định hòa giải viên…Từ đó, hòa giải viên tiếp nhận và nghiên cứu đơn, tài liệu gửi kèm do Tòa án chuyển đến; vào sổ theo dõi vụ việc; xác định tư cách của người tham gia hòa giải, đối thoại; xây dựng phương án hòa giải, đối thoại… Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên chậm nhất là 5 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

Trong phiên hòa giải sẽ gồm hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện của họ, người phiên dịch, người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết. Khi đã nắm rõ yêu cầu của các bên, hòa giải viên hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại trao đổi ý kiến, trình bày các nội dung chưa rõ, đi đến thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu nại; Kết luận về những vấn đề các bên đã thống nhất, chưa thống nhất. Các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau thì hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Tại đây, Thẩm phán tham gia phiên họp ký xác nhận biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại vàra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Đồng chí Bùi Đức Thuận, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Đây là hoạt động được khuyến khích trong quy trình tố tụng nhưng có một số trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại, gồm: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần hai nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng; Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong hòa giải, đối thoại, các bên phải tuyệt đối tự nguyện cũng như phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên, không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ. Đặc biệt, giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải được bảo đảm quyền bình đẳng. Hiện, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyển dụng hòa giải viên để chính thức thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại tòa án ngay từ đầu năm 2021. Trong đó, TAND tỉnh tuyển dụng hai hòa giải viên.

Văn Hiến

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/phap-luat/giam-buc-xuc-trong-xa-hoi-tang-chat-luong-xet-xu-278607-101.html