Giảm chi phí, tăng lợi nhuận từ sản xuất lúa sinh thái kết hợp phát triển sếu đầu đỏ

Nhằm góp phần thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032, UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Qua hơn 1 năm, bước đầu, mô hình đạt những kết quả tích cực, người dân địa phương quan tâm hưởng ứng canh tác lúa sinh thái.

Việc sản xuất lúa sinh thái được kỳ vọng tạo môi trường sống thuận lợi, thu hút sếu đầu đỏ về trú ngụ Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: TTXVN phát

Việc sản xuất lúa sinh thái được kỳ vọng tạo môi trường sống thuận lợi, thu hút sếu đầu đỏ về trú ngụ Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: TTXVN phát

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Có diện tích sản xuất lúa gần Vườn Quốc gia Tràm Chim, ông Nguyễn Văn Mẫn ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông là một trong những nông dân tiên phong sản xuất lúa sinh thái từ vụ Hè Thu năm 2023. Ông Mẫn cho hay, với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và nhận thấy những lợi ích mang lại, ông chuyển sang làm lúa sinh thái. Trước đây, ông gieo sạ lúa giống 20 kg/công, đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch. Bây giờ, lượng lúa giống giảm còn 10 kg/công; dùng chế phẩm sinh học và phương pháp cày vùi để xử lý rơm rạ. Ông vẫn canh tác lúa 3 vụ/năm nhưng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm phân, thuốc hóa học và tăng phân hữu cơ.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, hơn 170 ha trong ô bao số 25, thuộc ấp Phú Xuân, xã Phú Đức tiếp tục canh tác lúa sinh thái. Đến nay, lúa hơn 20 ngày tuổi, xanh tươi mơn mởn, nông dân đang ra đồng giặm lúa. Tiếp nối thành công từ những vụ lúa trước, ông Lê Văn Hùng ở xã Phú Đức đang duy trì sản xuất 2 ha lúa sinh thái. Vụ lúa vừa rồi, tham gia mô hình sản xuất lúa sinh thái, giúp ông giảm chi phí sản xuất khoảng 20% so với trước khi tham gia mô hình.

Ông Lê Văn Hùng cho biết, so với lối canh tác truyền thống thì hiện nay đã có sự thay đổi để giảm ô nhiễm môi trường và chi phí, tăng lợi nhuận như: áp dụng sạ thưa, giảm lượng lúa giống; sử dụng một phần phân hữu cơ; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; cơ giới hóa trong sản xuất… Việc tham gia mô hình canh tác lúa sinh thái, giúp mang lại hiệu quả kinh tế; nhờ sử dụng phân hữu cơ tỷ lệ ngày càng tăng nên đồng ruộng dần được cải tạo đất. Nhiều loài sinh vật, động vật xuất hiện trên đồng ruộng, nhất là các loài chim, cò. Ông Hùng kỳ vọng, với điều kiện môi trường dần cải thiện, không lâu nữa, sếu đầu đỏ sẽ quay lại Tràm Chim.

Theo lãnh đạo huyện Tam Nông, bắt đầu từ vụ lúa Hè Thu năm 2023, huyện triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim” với quy mô 39 ha, có 4 hộ tham gia. Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và hiệu quả thực tế mang lại, đến nay, trên 40 hộ tham gia thực hiện mô hình, diện tích tăng lên hơn 312 ha. Đây là khu vực sản xuất lúa ở lân cận Vườn quốc gia Tràm Chim, thuộc ô bao 25 của xã Phú Đức và ô bao 43B của xã Tân Công Sính.

Bước đầu, việc sản xuất mô hình lúa sinh thái đạt những kết quả tích cực. Điển hình như vụ Hè Thu năm 2024, tại ô bao số 25, xã Phú Đức, nông dân sử dụng giống OM 18, lượng giống 10 kg/công, giảm 29% so với bên ngoài; sử dụng một phần phân bón hữu cơ, giúp giảm khoảng 20 - 25% lượng phân vô cơ. Năng suất lúa bình quân 6 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,2 tấn/ha. Tổng chi phí bình quân của mô hình gần 22,84 triệu đồng/ha, thấp hơn ngoài mô hình 1,56 triệu đồng/ha. Lợi nhuận bình quân 24,71 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 5 triệu đồng/ha.

Nâng chất lượng lúa sinh thái

Khu vực thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim” thuộc xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Khu vực thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim” thuộc xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Theo UBND huyện Tam Nông, dù nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa sinh thái trong mô hình một cách bền vững. Nông dân vẫn phải bán lúa cho thương lái với giá tương đương lúa bên ngoài mô hình. Do ảnh hưởng của thời tiết và thói quen canh tác nên chưa đảm bảo tỷ lệ mang rơm ra khỏi đồng ruộng theo yêu cầu.

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì diện tích đang sản xuất lúa sinh thái tại 2 ô bao (ô bao 25 và 43B) đến năm 2027; không tăng thêm diện tích, thay vào đó là tập trung nâng dần chất lượng sản xuất. Hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa sinh thái gắn với “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, nhất là việc tiếp tục giảm lượng giống gieo sạ (sử dụng 70 kg/ha), không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa.

Huyện kết hợp sử dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại 2 ô bao, nhằm thuận tiện cho việc sản xuất lúa sinh thái và hướng đến sản xuất lúa hữu cơ. Cùng với đó, tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa trong mô hình sản xuất lúa sinh thái cho nông dân; hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm lúa sinh thái đến người tiêu dùng…

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành và công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, sếu đầu đỏ loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới. Trước đây, hàng nghìn sếu đầu đỏ di cư về vùng đất Tràm Chim sinh sống nhưng những năm gần đây, sếu về ngày càng ít dần. Việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách vì đây là loài chim chỉ thị về môi trường trong lành, phục hồi các giá trị sinh học tự nhiên; là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân từ ngàn xưa.

Theo Tiến sỹ Trần Triết - Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á (Hội Sếu quốc tế), đàn sếu đầu đỏ Việt Nam và Campuchia thường di chuyển theo mùa, vào mùa mưa là mùa sinh sản, sếu sẽ ở phía Bắc của Campuchia. Đến mùa khô, sếu di cư về tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang. Muốn đàn sếu định cư ở khu vực này, cần phải có nơi sống thích hợp cho chúng. Giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Vì vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Mục tiêu chung của Đề án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm (từ năm 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-chi-phi-tang-loi-nhuan-tu-san-xuat-lua-sinh-thai-ket-hop-phat-trien-seu-dau-do-20241217101244819.htm