Giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân nhờ cơ giới hóa việc gieo lúa
Nếu ĐBSCL giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/ha, sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000-350.000 tấn hạt giống, giảm khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng.
Là vựa lúa của cả nước tuy nhiên thời gian qua việc ứng dụng cơ giới hóa ở khâu gieo cấy lúa tại vùng ĐBSCL còn rất hạn chế. Để giảm chi phí trong sản xuất, tăng phẩm chất hạt gạo cũng như thu nhập cho nông dân, hiện các địa phương trong vùng đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai các giải pháp để phát triển mạnh khâu này.
Ông Huỳnh Văn Điệp ở xã Trung An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cho biết, ông có 2 ha đất trồng lúa. Trước đây, vào mỗi vụ mùa ông phải tốn đến 400kg lúa để sạ lan. Không chỉ tốn lúa giống, ông còn tốn thêm nhiều chi phí khác như thuê nhân công vác lúa ra ruộng, thuê sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Cách đây 1 năm ông mua được một máy sạ khóm với giá hơn 300 triệu đồng. Từ khi có chiếc máy này ông cắt giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất lúa, đồng thời có thêm thu nhập từ 30-40 triệu đồng mỗi vụ nhờ đi sạ thuê.
“Mua máy sạ khóm tiết kiệm được phân thuốc, lúa giống. Cái nào cũng tiết kiệm nhiều lắm. Máy giúp giảm 1 công còn 6-7 kg thôi, còn hồi xưa sạ lan cần tới 20kg lận. Phân thuốc giảm khoảng 30% trở lên. Cũng không tốn công vác giống nữa”, ông Điệp nói.
ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 1,9 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 4,2 triệu ha, sản lượng lúa ước đạt 25 triệu tấn, trong đó có khoảng 50% cho tiêu dùng nội địa và 50% phục vụ cho xuất khẩu, với khoảng 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để giúp người trồng lúa nơi đây đạt hiệu quả cao trong sản xuất, thời gian qua, ngành chức năng từ Trung ương đến các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp về thay đổi cơ cấu giống lúa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa, tuy nhiên ở khâu gieo cấy vẫn còn rất hạn chế.
“Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy là một trong những khâu tốn nhiều công lao động và nặng nhọc nhất. Đây cũng là khâu quan trọng quyết định sự phát triển và năng suất của cây lúa. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này còn thấp”, ông Thanh cho hay.
Theo thống kê, hiện toàn vùng ĐBSCL việc cơ giới hóa ở khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt hơn 82% và gần 80% khối lượng lúa sấy, đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch. Việc cơ giới hóa ở khâu gieo cấy lúa hiện chỉ chiếm gần 2%, còn lại được bà con sạ lan vì cho rằng lúa sạ lan có ưu điểm là không cần phải làm đất kỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, phương pháp sạ này có nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống từ 180-200kg/ha và tốn công lao động, trong khi lực lượng lao động phổ thông ở nông thôn ngày một khan hiếm vì đi làm công nhân ở công ty tại các thành phố lớn.
Mặt khác, mật độ sạ quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, đồng thời cây lúa thường yếu nên rất dễ đổ ngã làm ảnh hưởng và giảm năng suất. Ngoài ra, khi sạ lan bà con phải sử dụng thuốc diệt mầm cỏ dại và thuốc diệt cỏ khi lúa lớn, từ đó kéo theo tăng chi phí, ô nhiễm môi trường…
Điều quan trọng là do phải sử dụng nhiều lúa giống trong sạ lan nên nông dân không có điều kiện mua lúa giống đạt cấp xác nhận hay nguyên chủng để gieo sạ vì giá thành cao, từ đó mà bà con phải sử dụng lúa hàng hóa của vụ trước để sạ lại cho vụ kế tiếp.
Chính vì thế, bà con không thể sản xuất lúa có phẩm chất gạo tốt vì lẫn nhiều lúa nền, lúa cỏ rất khó khử lẫn, trong khi sử dụng hạt giống xác nhận ngày càng trở thành nhu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng cho xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, giải pháp mang tính hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo, cấy lúa để giảm các chi phí trong sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Ngoài Bắc bà con cấy chỉ 27 cân thóc giống cho 1ha thôi, mà có sạ chăng nữa thì chỉ tối đa là 35 cân nhưng trong ĐBSCL là 150 cân thóc, có nơi tới 180 cân. Cứ sử dụng phương thức cầm hạt thóc vảy ra mà bắt giảm lượng khó lắm. Vì thế, phải ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Theo ước tính sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, với diện tích lúa hiện tại của vùng ĐBSCL, nếu toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn khoảng 80 kg/ha, sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000-350.000 tấn hạt giống lúa, tương đương giảm khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng.
Từ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi tăng diện tích sử dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu là các vụ sản xuất tới đây, mỗi tỉnh, thành ở ĐBSCL sẽ xây dựng từ 3-5 mô hình trình diễn, với khoảng 20-30ha/mô hình nhằm truyền thông đến người sản xuất.
Như vậy, qua mỗi năm sẽ mở rộng diện tích được 5-10% và sau 3-5 năm thực hiện thì việc ứng dụng cơ giới hóa ở khâu gieo cấy sẽ đạt từ 10-20% diện tích canh tác ở mỗi tỉnh. Đặc biệt, hiệu quả của mô hình mang lại phải tăng được năng suất ít nhất 5-10%, giảm được chi phí đầu vào ở các khâu giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật và đồng thời tăng được lợi nhuận từ 15% trở lên so với sạ lan.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu thực hiện tốt việc cơ giới hóa ở khâu gieo cấy thì gần như quy trình canh tác lúa sẽ được cơ giới toàn bộ. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là bảo vệ tốt môi trường sống cho vùng nông thôn trước biến đổi khí hậu./.