Giấm cũng là… vị thuốc
Giấm không chỉ làm gia vị trong ẩm thực, phụ liệu trong chế biến dược liệu mà còn là vị thuốc.
Giấm ăn là dung dịch acid acetic (khoảng 4 – 7%), được lên men tự nhiên từ rượu loãng. Ngoài acid acetic, nó còn có vitamin, acid succinic, acid oxalic, đường, cồn và aldehyd… Rượu loãng được chế biến từ táo, nho, dâu, lúa mì, gạo…
Các loại giấm
Giấm được phân loại theo nguồn nguyên liệu lên men và màu sắc của giấm. Có những loại sau:
Giấm gạo
Loại này được làm từ rượu gạo (gạo tẻ hay gạo nếp). Loại này được dùng rộng rãi ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản… Giấm gạo có màu trong suốt, vàng nhạt, đỏ hay đen tùy theo loại gạo.
Giấm táo
Đây là loại được làm từ nước táo cho lên men thành rượu, sau đó thành giấm. Chúng thường có màu vàng nhạt; thường thấy ở phương Tây.
Giấm nho
Được làm từ rượu vang (rượu nho), loại này có màu vàng nhạt hay đỏ, tùy thuộc vào màu sắc của rượu vang, thường thấy ở khu vực Địa Tung Hải.
Giấm hóa học
Giấm hóa học là loại giấm sản xuất bằng cách pha loãng acid acetic, có tính kháng khuẩn mạnh nên được dùng để làm sạch vật dụng trong gia đình.
Lợi ích
Theo Đông y, ngũ vị bổ ngũ tạng, chua thì bổ can. Loại thực phẩm này có vị chua nên có tác dụng bổ dưỡng gan. Y học ngày nay đã chứng minh: Những người mắc bệnh gan mãn tính đặc biệt là viêm gan và xơ gan, lượng chất toan giảm, độ chua thấp, không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn từ khoang miệng vào dạ dày, do đó phần trên ruột non có rất nhiều vi khuẩn sinh trưởng, dễ gây nhiễm khuẩn toàn thân, làm cho bệnh gan càng nặng, thậm chí biến chuyển xấu đi.
Ngoài ra, thực phẩm này còn có thể điều chỉnh độ kiềm toan trong máu, giúp điều hòa lượng amin thừa trong quá trình trao đổi chất của những người bị bệnh gan mạn tính.
Kích thích tiêu hóa
Khi nấu nướng cho thêm một chút gia vị chua này vào sẽ làm vị chua tăng lên, từ đó kích thích thèm ăn, làm tăng tiết nước bọt và tăng cường tiêu hóa.
Có thể sử dụng: Gừng tươi 250g, giấm ăn 500ml. Gừng tươi rửa sạch thái nhỏ, ngâm ngập giấm 1 ngày 1 đêm. Mỗi lần lấy 3 lát gừng ngâm, thêm ít đường đỏ, hãm trong nước sôi uống thay trà.
Hỗ trợ sát khuẩn đường ruột
Giấm có tác dụng sát khuẩn, ngăn thối rữa, giết tụ cầu, salmonella, trực khuẩn trong ruột. Uống chúng có thể nâng cao khả năng diệt khuẩn ở đường ruột vào mùa lưu hành bệnh truyền nhiễm đường ruột. Ngoài ra loại gia vị thực phẩm có vị chua này có thể chế ngự được nhiều loại vi khuẩn, giúp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe. Liều thường dùng 5 – 30ml.
Làm tăng hấp thụ calci và bảo vệ nguồn vitamin C
Khi nấu thực phẩm từ động vật (như xương sườn, vịt) nên thêm một chút giấm. Vì chúng có thể hòa tan calci chứa trong thực phẩm và chúng ta dễ hấp thụ calxi trong ruột non.
Khi nấu rau thêm chút giấm để giảm bớt thất thoát vitamin C trong rau.
Phòng xơ cứng động mạch
Người tăng huyết áp trước khi ăn, nên uống 1 thìa giấm ăn hòa lẫn đường phèn; hoặc mỗi buổi sáng sớm ăn 10 hạt đậu phộng ngâm cùng loại gia vị này cũng có tác dụng giảm huyết áp và phòng xơ cứng động mạch.
Chữa đau bụng do giun
Lấy 50ml giấm ăn hòa với 50mml nước ấm, uống từ từ có thể chữa đau bụng do giun chui ống mật.
G
íup giảm béo
Mấy năm gần đây giấm đã trở thành món ăn giảm béo rất thịnh hành ở một số nước Âu Mỹ. Nghiên cứu cho thấy acid acetic làm chậm tiêu hóa thức ăn ở dạ dày, làm kéo dài cảm giác no dẫn đến giảm nhu cầu và lượng calo tiêu thụ và giúp giảm cân.
Làm sạch môi trường
Giấm trắng có đặc tính kháng khuẩn, nên được dùng như chất khử khuẩn nhà và làm sạch bề mặt cho các vật dụng và thiết bị trong gia đình.
Trong gian phòng, cứ một mét khối không gian dùng 10ml giấm, thêm gấp đôi lượng nước rồi chưng cho cạn giấm. Trong khi chưng đóng hết các cửa. Mỗi ngày làm 1 lần, làm liền trong 3 ngày có thể ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, viêm màng não, viêm tuyến nước bọt.
Trong mùa dịch COVID-19, có thể dùng dung dịch acid acetic 5% để làm sạch môi trường chứ không dùng giấm ăn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//giam-cung-la-vi-thuoc-169210724140837513.htm