Giảm dần nhà kính cần những giải pháp khả thi

Nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho thấy, việc giải quyết hiện trạng của nhà kính tại khu vực các phường của TP Đà Lạt sau hơn 20 năm phát triển đại trà, thiếu sự kiểm soát là khá phức tạp, nên đòi hỏi nhiều công sức, thay đổi tư duy của người sản xuất và cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của người nông dân và các doanh nghiệp.

Cần có lộ trình dài hạn hơn để giảm dần diện tích nhà kính tại khu vực nội ô TP Đà Lạt

Cần có lộ trình dài hạn hơn để giảm dần diện tích nhà kính tại khu vực nội ô TP Đà Lạt

GIẢM TỪ 30 - 50% VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP ĐẦU VÀO

Triển khai Đề án Quản lý nhà kính đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt triển khai Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phục vụ phát triển ngành sản xuất hoa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, nhận định có 14 giống hoa năng suất cao, dịch hại thông thường. Từ đó, tổ chức sản xuất thử nghiệm diện rộng 3 giống hoa canh tác ngoài trời như lily lửa, thiên sứ và huệ tây... Đồng thời, lồng ghép các chương trình, kế hoạch hàng năm phối hợp xây dựng, triển khai 7 mô hình sản xuất bền vững gồm: 3 mô hình tại Phường 5 và xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt tháo dỡ một phần diện tích nhà kính và xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ngoài trời kết hợp bố trí cây xanh, hệ thống đường nội bộ, mương thoát, ao chứa nước, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất trong nhà kính về hệ sinh thái ngoài nhà kính với quy mô 2.000 m2/mô hình; 2 mô hình, diện tích mỗi mô hình 1 ha sản xuất rau ngoài trời bằng công nghệ IoT điều khiển tự động tưới, châm phân, thuốc tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương; 2 mô hình sản xuất hoa lay ơn ngoài trời nhập khẩu từ Hà Lan với diện tích 3.000 m2 tại Phường 7 và 6.000 m2 tại Phường 11, TP Đà Lạt.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 3 địa phương ban hành kế hoạch quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 gồm: TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đơn Dương. Các kế hoạch này đã đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể, trong đó giải pháp để giảm diện tích nhà kính tại đô thị cần phải giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái quy định. Kết quả toàn tỉnh đã giải tỏa, di dời 105 ha/134 ha diện tích nhà kính xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Theo nhận định chung, nếu sử dụng nhà kính chuẩn sẽ phát huy đồng bộ tác dụng thiết bị công nghệ cao, đặc biệt tiếp cận các giải pháp IoT, điều khiển tự động, năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ đèn LED, đáp ứng sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, đạt giá trị bình quân 2 tỷ đồng/ha/năm đối với rau và từ 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm đối với cây hoa, giảm từ 30 - 50% vật tư nông nghiệp đầu vào so với trồng ngoài trời, sản phẩm được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sản xuất rau nhà kính ứng dụng đồng bộ công nghệ cao đạt giá trị thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/năm

Sản xuất rau nhà kính ứng dụng đồng bộ công nghệ cao đạt giá trị thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/năm

CẦN LỘ TRÌNH DÀI HẠN HƠN

Tuy nhiên việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát với mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị; đồng thời mức độ đầu tư nhà kính đạt chuẩn chi phí cao, trong khi nguồn lực của người dân còn hạn chế. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng ao, hồ và lòng suối, làm tăng nhiệt độ cục bộ vào buổi trưa so với nền nhiệt độ chung của TP Đà Lạt. Ngoài ra, đa số nhà kính chưa quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu, thoát nước; chưa kể nhiều nhà kính xây dựng độ dốc cao, ven sông, suối khi gặp mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ.

Để xây dựng mới, di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ghi nhận rằng, rất khó thực hiện gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng do chính sách tín dụng phải triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Việc định hướng giảm dần diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt và nội thị của các huyện vùng phụ cận cần có lộ trình dài hạn.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay sản xuất nhiều loài hoa cắt cành như hoa hồng, hoa trang trí; rau cao cấp như pó xôi, rau baby các loại, vườn giống, sản xuất thủy canh và canh tác ứng dụng các công nghệ tự động hóa… không thể sản xuất hiệu quả ngoài trời, cần nhà kính để hạn chế dịch hại, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong khi tại địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận, hiện tượng mưa đá đầu mùa thường diễn ra gây hại sản xuất ngoài trời, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Do đó, việc định hướng giảm dần diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt và nội thị của các huyện vùng phụ cận cần có lộ trình dài hạn hơn so với mục tiêu của Đề án vào năm 2030…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202408/giam-dan-nha-kinh-can-nhung-giai-phap-kha-thi-3e8342c/