Hàng loạt xe điện thuộc diện cấm lưu thông tại Hà Nội bị thu giữ
Lực lượng Quản lý thị trường vừa phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; đây đều là mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng nhập lậu và được lắp ráp 'chui' tại Hà Nội, được các đối tượng bán trên website và các nền tảng mạng xã hội.
Ngày 5/11, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với PC03, Công an thành phố Hà Nội; Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội; Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Gia Lâm và Công an thị trấn Trâu Quỳ đột xuất kiểm tra hộ kinh doanh xe điện M.P, tại đường Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Chủ hộ kinh doanh là bà N.T.D (30 tuổi), trú tại tỉnh Phú Thọ.
Quá trình xác minh, ngoài điểm kinh doanh này, Đoàn kiểm tra còn phát hiện bà N.T.D còn sử dụng thêm điểm kinh doanh tại địa chỉ số 43, nằm trong Khu đô thị 31ha, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm làm kho chứa hàng hóa và lắp ráp sản phẩm. Địa điểm này chưa được thông báo với cơ quan chức năng.
Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 25 chiếc xe điện loại 3 bánh, 4 bánh bán thành phẩm và được xếp la liệt trong khuôn viên rộng hàng trăm m2 với nhiều nhãn hiệu như: Goda Pro, Me leisure, Fishion, Dilly, Wanyuan…
Làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện hộ kinh doanh xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cấp với 4 ngành nghề kinh doanh chính, gồm: Bán buôn, bán lẻ xe máy, xe máy điện; bán buôn xe đạp, phụ tùng xe đạp; bán lẻ xe đạp, phụ tùng xe đạp; bán buôn, bán lẻ phụ tùng xe máy điện, xe máy.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm đang bày bán tại điểm kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tiếp tục kiểm tra trên các nền tảng thương mại điện tử hộ kinh doanh này đang sử dụng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều chủng loại hàng hóa được giới thiệu trên trang web: xedienmanhphat.vn. Mặc dù có chức năng đặt hàng trực tuyến, tuy nhiên website này chưa thực hiện thủ tục thông báo với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, trên nền tảng mạng xã hội TikTok với tài khoản Xe điện M.P (tên đã được viết tắt) cũng đăng tải nhiều video giới thiệu về các sản phẩm. Tài khoản này có trên 200.000 lượt follow và hơn 3.3 triệu lượt thích. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt tương tác. Qua xác minh của cơ quan chức năng, các loại phương tiện xe điện phát hiện tại hộ kinh doanh của bà N.T.D. không được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ những trường hợp đặc biệt.
Ngay sau đó Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định tạm giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh, trị giá hàng hóa vi phạm trên 500 triệu đồng, để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Trần Huy Hải, Phó phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ QLTT, cho biết, đây là một trong những vụ việc nổi bật nằm trong Kế hoạch Cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường những tháng cuối năm 2024, dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mà đơn vị triển khai, thực hiện.
Với cơ sở kinh doanh của bà N.T.D, lực lượng chức năng bước đầu đã phát hiện 3 hành vi vi phạm, gồm: Kinh doanh tại nhiều địa điểm, nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không thông báo website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến công tác quản lý, cấp phép đối với các loại xe điện 3 bánh, Nghị quyết số 5/2008/NQ-CP củ Chính phủ nêu rõ, không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới 3 bánh. Đối với các loại xe cơ giới 3 bánh hiện có đang lưu hành thì ban hành quy định cấm lưu hành (kể cả xe cơ giới 3 bánh nhập khẩu) trong nội thành, nội thị và các quốc lộ. Riêng xe tự chế dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) được phép lưu hành đến ngày 31/12/2008.
Theo Nghị định số 5/2008/NQ-CP có thể hiểu, việc điều khiển các loại xe 3 bánh là không được phép khi lưu thông tại Việt Nam, trừ các trường hợp đặc biệt. Vì thế, việc đưa xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để kinh doanh, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hành vi thực hiện và các hậu quả gây ra.
Trước đó, cũng vào dịp cuối năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra đồng loạt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Phú Thọ và phát hiện hàng trăm xe đạp điện, xe máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không có tài liệu chứng minh chất lượng hàng hóa, không có tem hợp quy dán sản phẩm, được giới thiệu trên 2 website: hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn không đủ điều kiện kinh doanh.
Trong đó, riêng tại địa bàn thành phố Hà Nội, kiểm tra tại địa điểm kinh doanh, Công ty TNHH HAMICHI Việt Nam, số 308C đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, đã phát hiện 13 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi không gắn tem hợp quy, chưa chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa…