Giám định thiệt hại từ tài liệu của cơ quan buộc tội

Luật sư hỏi căn cứ nào để đưa ra kết luận giám định thiệt hại, Giám định viên cho rằng căn cứ giám định là dựa vào hồ sơ của Cơ quan ANĐT.

Ngày 27-6, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng.

Trong ngày xử thứ 3, Tòa tiếp tục phần xét hỏi. Luật sư bào chữa cho bị cáo Ung Văn Thanh đặt vấn đề với Giám định viên tư pháp là bà Khưu Thị Diệu Huyền về căn cứ nào để đưa ra kết luận giám định thiệt hại. Bà Huyền cho rằng căn cứ vào yêu cầu và phân công thực hiện, đồng thời căn cứ giám định là dựa vào hồ sơ của Cơ quan ANĐT.

Luật sư cho rằng bị cáo Thanh tham gia Đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) với nhiệm vụ lấy mẫu kiểm tra và niêm phong hàng hóa, vậy cơ sở nào để kết luận bị cáo Thanh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Bà Huyền cho rằng đã có công văn yêu cầu nhưng chưa được trả lời.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương nói kết luận giám định của bà Huyền không nói rõ thiệt hại cho Chi cục QLTT, nhưng cáo trạng lại đưa vào là gây thiệt hại cho cơ quan này. Do đó, luật sư yêu cầu bà Huyền giải thích cụm từ “gây thiệt hại đáng kể” như kết luận giám định của bà Huyền là được hiểu như thế nào.

Bà Huyền cho rằng đó là do bà sử dụng từ có lợi cho bị cáo, thiệt hại đáng kể được hiểu là thiệt hại trên mức bình thường, chứ không sử dụng các từ thiệt hại nghiệm trọng, rất nghiêm trọng.

Luật sư cho rằng bà Huyền vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định khi sử dụng các công văn của Cơ quan ANĐT (phía buộc tội bị cáo) để giám định và đưa ra kết quả thiệt hại. Về vấn đề này, một lần nữa bà Khưu Thị Diệu Huyền cho rằng bà được Cơ quan ANĐT có quyết định yêu cầu bà tham gia làm giám định viên trong vụ án. Và, căn cứ giám định mà bà đưa ra kết luận giám định là từ hồ sơ của cơ quan điều tra.

Bà Mai Thiên Hương (công tác tại Chi cục Đo lường chất lượng Sóc Trăng) là nhân chứng và là người đánh giá hai kết quả kiểm nghiệm phân bón không đạt. Trước câu hỏi của luật sư Nguyễn Khánh Trang về chuyên môn của bà Hương về nghề nghiệp đào tạo chuyên môn, bà Hương trả lời là thạc sĩ Công nghệ thực phẩm và thức uống. Kết quả đánh không đạt của bà Hương là căn cứ để tiến hành tố tụng làm chứng cứ để buộc tội. Nhưng trả lời tại tòa, bà Hương cho rằng căn cứ vào chỉ tiêu, chất lượng ghi trên nhãn hàng hóa chứ không căn cứ vào tiêu chuẩn chất lượng theo Thông tư 29/2014 của Bộ Công thương.

Còn Điều tra viên Trịnh Thanh Lịch khi trả lời HĐXX đã cho biết hai bao phân và mẫu là do DN giao nộp chứ không phải thu giữ. Do hai bao này được giao nộp sau khi Đoàn KTLN gỡ niêm phong nên không xem là vật chứng nhưng vẫn thực hiện niêm phong theo đúng qui định.

Luật sư hỏi điều tra viên Lịch việc cơ quan ANĐT căn cứ vào Thông tư 26 để khỏi tố vụ án, đề nghị truy tố bị cáo, vậy trong quá trình điều tra có xem xét áp dụng Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa khi có nhà sản xuất chịu trách nhiệm và có đơn khiếu nại.

Về vấn đề này, Điều tra viên Trịnh Thanh Lịch cho rằng, trong quá trình xử lí vụ án, cơ quan điều tra có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan chuyên môn, trong đó có Bộ KH&CN. Theo lí giải của Điều tra viên Lịch, giải quyết khiếu nại cho kiểm nghiệm lần 3 là khác với khi có kết luận của đoàn KTLN sau đó nhà sản xuất khiếu nại kết luận. Như vậy, Thông tư và Luật không trái nhau.

Luật sư của bị cáo Châu Hoài Phương hỏi: “Tòa xác định Chi cục QLTT là bị hại, vậy thiệt hại là gì?”. Đại diện Chi cục QLLT cho rằng hai bị cáo thực hiện không đúng theo luật công chức, tất nhiên sẽ gây hại cho cơ quan, vì vậy từ 20/3/2019, cơ quan này có văn bản gửi Tòa thể hiện thiệt hại. Tuy nhiên, khi luật sư tiếp tục truy vấn là đến nay Tòa vẫn đang xử, các bị cáo vẫn chưa bị tuyên phạm tội, vì sao Chi cục QLTT đã vội vàng kết tội và cho là gây thiệt hại cho mình, đại diện QLTT im lặng.

Ngày mai (28-6), Tòa tiếp tục phần tranh luận.

NAM GIAO

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/giam-dinh-thiet-hai-tu-tai-lieu-cua-co-quan-buoc-toi-842755.html