Giám đốc 29 tuổi tại Mỹ: 'Tôi không đánh đổi để thăng tiến'
Tổ chức triển lãm ở Việt Nam, điều hành các dự án phát triển sản phẩm công nghệ tại Mỹ, chống bạo hành trẻ em và tảo hôn ở Uganda là những việc Anh Nguyễn thực hiện trước tuổi 30.
Tổ chức thành công triển lãm Nhà hồi cuối tháng 5, Anh Nguyễn trở thành cái tên mới, được chú ý trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam với cả vai trò nghệ sĩ và giám tuyển.
Tuy nhiên, công việc chính của cô lại là quản lý các dự án, phát triển sản phẩm công nghệ tại New York (Mỹ).
Trước khi trở lại New York, Anh Nguyễn tham gia cuộc phỏng vấn với Tri Thức - ZNews, chia sẻ đôi điều trước khi bắt tay vào những dự án xã hội, công nghệ và nghệ thuật mới.
‘Nếu phải đánh đổi, tôi chọn dừng lại’
Công việc hiện tại của Anh Nguyễn là gì?
Tôi là Director of Product Management của công ty công nghệ đa quốc gia Infor có trụ sở tại New York (Mỹ) với 16.000 thành viên trên toàn cầu.
Hiện tại, tôi vẫn chưa biết cách dịch chính xác chức danh của mình sang tiếng Việt. Công việc của tôi là đưa ra chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ với mức thu nhập khoảng hơn 150.000 USD/năm.
Ví dụ, điện thoại thông minh chỉ có một số tính năng khi mới ra mắt. Những người làm công việc như tôi phụ trách sáng tạo ra các chức năng khác. Chúng tôi phải tự đặt ra câu hỏi rằng người tiêu dùng cần gì.
Chẳng hạn, tôi biết rằng bạn cần ghi âm cuộc trò chuyện này. Vì thế, chiếc điện thoại trên tay bạn nên có chức năng ghi âm.
Được biết, Anh Nguyễn mới mở triển lãm ở Việt Nam. Cơ duyên nào dẫn bạn đến con đường nghệ thuật?
Tôi bắt đầu thực hành nghệ thuật từ tháng 1 năm nay, khởi sự với triển lãm Duyên. Mùa thu năm ngoái, tôi gặp khủng hoảng, áp lực với công việc, nhận thấy cảm xúc bị đè nén, nên quyết định trở về Việt Nam, dành một thời gian để chỉ vẽ và chụp hình. Sau khi bắt đầu, tôi không thể dừng lại, tiếp tục tổ chức triển lãm nhóm mang tên Nhà hồi tháng 5.
Công việc trong lĩnh vực công nghệ và sự nghiệp nghệ thuật có sợi dây liên kết nào không?
Tôi cho rằng sự sáng tạo chính là điểm chung của hai lĩnh vực. Tôi là một đứa trẻ tò mò với cuộc sống bên trong lẫn bên ngoài, luôn tìm cách trả lời những câu hỏi. Câu trả lời có thể tồn tại ở hình thức của một vở kịch, một bức tranh hoặc một sản phẩm công nghệ.
Tôi vẫn đang làm 2 công việc cùng lúc. Khi hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, tôi quản lý các dự án công nghệ từ xa.
Ban ngày, tôi lo liệu cho triển lãm. Đến tối, tôi bắt tay vào làm công nghệ theo giờ Mỹ. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng cách làm việc này không bền vững, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Tôi là người làm việc theo mùa. Trong mỗi mùa, tôi sẽ chọn một dự án, công việc để dồn toàn bộ tâm sức vào.
Việc phân tán năng lượng có tạo ra rào cản thăng tiến, phát triển trong một lĩnh vực không?
Để có đủ can đảm theo đuổi các dự án khác, tôi đã phải nỗ lực đạt được vị trí cao ở tuổi đời trẻ trong ngành công nghệ.
Đối với lĩnh vực công nghệ, tôi có cơ hội làm việc từ xa, không bị ràng buộc với một vị trí địa lý nhất định. Nhiều lần rời khỏi New York hàng tháng, tôi cũng lo lắng về hệ thống đánh giá từ phía công ty.
Tuy nhiên, chỉ cần hoàn thành tốt công việc, tôi đều nhận được quyết định thăng chức khi trở về. Tôi nhận ra rằng hiệu suất công việc tỷ lệ thuận với sức khỏe tinh thần.
Đối với con đường nghệ thuật, tôi lại không đặt nặng thành tựu, danh tiếng. Tôi làm nghệ thuật một cách riêng tư, không muốn quảng bá rầm rộ. Dù nhiều người nhận xét rằng triển lãm do tôi tổ chức tương đối chuyên nghiệp, hỏi rằng tôi có muốn làm giám tuyển nữa không, tôi vẫn đề cao chữ “Duyên”.
Mục đích mở triển lãm của tôi là hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu sinh sống ở Mỹ như hiện nay, tôi khó đảm nhiệm tốt công việc này. Khi không thể dành nhiều thời gian, sức lực, tôi sẽ không làm.
Điều mà Anh Nguyễn phải đánh đổi để đạt một vị trí cao ở độ tuổi trẻ trong lĩnh vực công nghệ?
Tôi không muốn dùng từ “đánh đổi”, không thích tư duy phải đổi cái này để lấy cái kia trong cuộc sống. Nếu cảm thấy phải đánh đổi, tôi chọn dừng lại.
‘Người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình’
Bên cạnh công nghệ và nghệ thuật, Anh Nguyễn còn hứng thú với mảng miếng nào của đời sống?
Tôi muốn tham gia các dự án phát triển bền vững đô thị. Trong thời gian tới, tôi sẽ đến Bỉ để học về lĩnh vực này. Sau đó, tôi mong có thể áp dụng kiến thức này vào công việc hiện tại ở Infor. Xa hơn, tôi cũng muốn xây dựng những dự án phát triển bền vững đô thị riêng.
Ngoài ra, tôi là chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức phi lợi nhuận chống lại bạo hành trẻ em và tảo hôn ở Uganda. Hàng năm, tôi cũng tham gia bảo vệ rùa biển ở những vùng biển hoang sơ.
Từ ngày còn nhỏ, tôi đã quen thuộc với hoạt động xã hội, thiện nguyện. Mục đích sống của tôi là giúp đỡ mọi người và mọi vật bằng chất xám, sức lực và năng lượng.
Thậm chí, tôi còn từng nhất quyết đăng ký học y vì cho rằng đó là ngành nghề duy nhất có thể giúp người. Sau này, tôi hiểu rằng mình có nhiều phương pháp để hỗ trợ người khác.
Khi đặt ra câu hỏi “Tại sao con người phải làm việc?”, nhiều người cho rằng tiền bạc tạo ra sự an toàn, đem đến cơ hội chăm sóc những người thân yêu, đồng thời nuôi dưỡng những ước mơ.
Song đối với tôi, công việc là cầu nối giữa bản thân và người khác. Tôi mong muốn dành trí tuệ và sức lực cho những người không bao giờ biết mặt, gọi tên mình.
Trong truyện ngắn Lão Hạc, nhà văn Nam Cao viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”. Anh Nguyễn nghĩ gì về quan điểm cho rằng chỉ những người đủ đầy mới phát sinh suy nghĩ cho đi?
Chữ “đủ” có thể hiểu theo nhiều cách. Những người sở hữu khối tài sản lớn nhưng luôn mang theo sự day dứt, dằn vặt có đủ đầy không? Những người tận hưởng cuộc sống cá nhân nhưng không làm gì có ích cho xã hội có thấy đủ không?
Theo nhiều nghiên cứu tôi từng đọc, khi làm những công việc có ý nghĩa lớn lao, dành cho cộng đồng, sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện. Lúc này, hành động giúp người không chỉ mang nghĩa cho đi, mà còn có giá trị nhận về.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với nhận định của nhà văn Nam Cao, thừa nhận rằng mình có nhiều đặc quyền trong cuộc sống để nghĩ đến các hoạt động xã hội. Đối với những người phải canh cánh chuyện cơm áo gạo tiền, họ khó có thời gian và không gian để nghĩ đến việc cứu giúp người khác.
‘Cuộc sống ở vũ trụ song song’
Là “công dân toàn cầu”, Anh Nguyễn có cho rằng cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, môi trường giáo dục là một đặc ân?
Tôi sống ở Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ và từng đặt chân đến khoảng 15-20 quốc gia trên thế giới. Mẹ tôi làm trong lĩnh vực ngoại giao, đem đến cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, giáo dục từ nhỏ. Tôi cho rằng đây là đặc ân của mình.
Thế nhưng, thỉnh thoảng tôi vẫn tự đặt câu hỏi: “Ở vũ trụ song song, nếu tôi chỉ lớn lên tại Việt Nam, cuộc sống sẽ thế nào?”. Khi trở về quê hương để làm nghệ thuật, tôi nhận thấy bề dày văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Đó thực sự là kho báu.
Ngoài công việc, cuộc sống của Anh Nguyễn còn gì?
Tôi còn những người thương yêu. Các mối quan hệ luôn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của tôi. Khi trẻ hơn, tôi dành nhiều thời gian cho công việc, đôi khi bỏ quên gia đình.
Hơn nữa, mỗi thành viên trong gia đình của tôi sinh sống ở một quốc gia, khiến việc kết nối trở nên khó khăn hơn. Bố mẹ tôi ở Việt Nam, chị gái sống tại Malaysia, tôi lại làm việc ở Mỹ. Gần đây, khi nhận thấy bố mẹ bắt đầu có tuổi, tôi trở về Việt Nam nhiều hơn. Việc tổ chức triển lãm Nhà cũng đến từ mong muốn tìm về, tái kết nối với cội nguồn của tôi.
Tôi kết hôn từ 2 năm trước, nhận được sự ủng hộ lớn từ đối phương. Tôi hoàn toàn có thể đi du lịch, về Việt Nam một mình trong sự tin tưởng của nửa kia.