Giám đốc AmCham: Không quá lo ngại với phát biểu của Tổng thống Trump về Việt Nam
Chia sẻ với TG&VN, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) Adam Sitkoff cho rằng, tuy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đang tăng trưởng ở mức độ không bền vững, nhưng AmCham và Chính phủ Việt Nam phối hợp rất chặt chẽ để củng cố mối quan hệ kinh tế thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, ngày 27/2. (Ảnh: Tuấn Amh)
Là người gắn bó và luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác này trong thời gian tới?
Quan hệ thương mại song phương Việt - Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. 25 năm trước, kim ngạch thương mại hằng năm dừng ở mức 220 triệu USD, nay đã tăng lên hơn 60 tỷ USD. Năm 1994, Việt Nam đứng thứ 95 trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, bây giờ Việt Nam đứng thứ 12. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Mỹ.
Ngày 26/6, trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kênh kinh tế Fox Business, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng, Việt Nam lợi dụng Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc, dù quy mô nhỏ hơn.
Kể từ khi AmCham được thành lập, chúng tôi đã nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao sẽ không những giúp tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân tại đây. Những khoản đầu tư này đã đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm chất lượng và giúp nền kinh tế năng suất, hiệu quả, an toàn và sạch sẽ hơn.
Năm 2019 kỷ niệm 25 năm AmCham hợp tác với những người bạn Việt Nam để giúp cải thiện điều kiện kinh doanh nhằm củng cố khu vực tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác thân thiết - điều mà nhiều người Mỹ một thời từng không bao giờ nghĩ tới - và các công ty và nhà đầu tư Mỹ hiện đang hoạt động rất tích cực ở hầu hết lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam.
Kết quả đó phải kể tới sự nỗ lực của người dân cả hai quốc gia, sẵn sàng bỏ qua quá khứ để xây dựng mối quan hệ vững mạnh như hiện nay. Những lợi ích kinh tế to lớn mà cả hai bên có được trong việc duy trì và mở rộng mối quan hệ khiến cho Hà Nội và Washington đều thấy có nhu cầu phát triển tầm nhìn tương lai cho mối quan hệ thương mại. Tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp cả hai quốc gia đều muốn trở thành đối tác tin cậy trong việc phát triển tầm nhìn này để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư.
Ông nhận định thế nào về phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên kênh Fox Business mới đây, dù Chính phủ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực và quyết tâm xử lý các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước ?
Chúng ta thường xuyên thấy Tổng thống Trump đưa ra những tuyên bố đáng lo ngại và mang tính đe dọa đối với nhiều đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng chỉ đang theo đuổi cam kết từ hồi tranh cử, để đấu tranh cho thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi. Ông tin rằng, các tổng thống trước đây đã thất bại trong việc bảo vệ người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ khỏi thương mại không công bằng và ông đã hứa sẽ đảm bảo các quốc gia khác phải chịu trách nhiệm.
Đó là lý do tại sao ông đẩy mạnh đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia như Hàn Quốc, Mexico và Canada, đồng thời đàm phán các thỏa thuận mới với Nhật Bản, EU và Anh. Đó cũng là lý do tại sao Tổng thống Trump đang đối đầu với các tập quán thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) Adam Sitkoff.
Vài tháng trước, Tổng thống Trump ca ngợi Việt Nam vì đã giảm đáng kể thâm hụt thương mại. Tuy vậy, ông được biết tới là người thường thay đổi suy nghĩ rất nhanh. May mắn thay, nhiều tuyên bố mà ông đưa ra cho giới truyền thông và nhiều tweet của ông không trở thành chính sách của Mỹ.
Mỹ và Việt Nam không chỉ là đối tác mà còn là bạn bè. Quan hệ song phương ngày càng toàn diện và tôi hy vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng, quan hệ Mỹ - Việt sẽ tiếp tục được đẩy mạnh dựa trên các mục tiêu chung. Cả hai nước sẽ có lợi khi cả hai đều thành công. Tôi biết chắc rằng, Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng.
Ông có lời khuyên gì cho cả hai bên trong cách xử lý các vấn đề kinh tế thương mại, không để kinh tế làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước?
Phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Trump, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã chứng kiến những bước tiến triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là kinh tế - thương mại - đầu tư. Với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Việt Nam và Mỹ đã phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư lành mạnh. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ thời gian qua tăng trưởng với tốc độ không bền vững. Các quốc gia có thặng dư với Mỹ lớn hơn Việt Nam chỉ gồm Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức, nhưng họ là những bạn hàng lớn hơn so với Việt Nam rất nhiều. Đây là một vấn đề đáng để tâm, nhất là khi Tổng thống Trump cam kết theo đuổi thương mại công bằng và có đi có lại.
Các công ty Mỹ muốn xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn và chính phủ Việt Nam cần phải giúp thực hiện điều đó. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực bám sát các cam kết với Mỹ, nhưng đôi khi thực tế lại không chứng minh như vậy. AmCham vẫn tiếp tục giải quyết một số vấn đề không nhất quán trong luật và quy định thương mại cùng với chính phủ Việt Nam để duy trì sự công bằng giữa hai nền kinh tế.
Theo tôi, bằng cách mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, Việt Nam có thể giúp khắc phục thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa hai nước theo hướng có lợi cho cả hai . Tôi tin rằng, phương pháp tiếp cận mà cả hai bên cùng có lợi như thế này còn tốt hơn nhiều so với việc dựng lên các hàng rào thuế quan và bảo hộ khác.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng đàm phán Mỹ - Trung sắp tới và tác động của đàm phán này với Việt Nam?
Tôi ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Trump để thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại và công nghiệp. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm nổi bật nguy cơ tập trung các cơ sở sản xuất tại một quốc gia và kích hoạt tổ chức lại chuỗi cung ứng. Hệ quả của nó khiến các công ty chuyển một số cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc và một số chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Việt Nam tận dụng triệt để cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo đúng quỹ đạo mà các bạn thể hiện trong nhiều năm qua. Tôi tin rằng, điều tốt nhất Việt Nam có thể làm là tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và gánh nặng mà các công ty phải đối mặt. Các nhà đầu tư của chúng tôi cần một sân chơi bình đẳng, công bằng và dễ dự tính để làm nền tảng vững chắc, không chỉ để thu hút các nguồn đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển khoản đầu tư đã có ở đây.
Có nhiều cách để thực hiện điều này. Chẳng hạn, các nhà đầu tư Mỹ muốn Việt Nam giảm gánh nặng thuế, tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách tiến bộ để giải phóng toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số,… Là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, các công ty Mỹ rất quan tâm để góp sức vào thành công của nền kinh tế Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi luôn nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam hạ thấp các rào cản thương mại, để giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn và tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn, minh bạch và ổn định.