Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: 'Mục tiêu miễn viện phí vào 2030-2035 hoàn toàn khả thi'

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, thực hiện được chủ trương miễn viện phí toàn dân sẽ là một bước tiến lớn trong công tác an sinh xã hội của đất nước.

Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới nêu rõ Tổng Bí thư thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần.

Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.

Đảng ủy Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhận định miễn viện phí toàn dân là một chủ trương thể hiện tính nhân văn vô cùng sâu sắc.

 PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chủ trương miễn viện phí toàn dân mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng?

+ PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí. Thực hiện được chủ trương này sẽ là một bước tiến lớn trong công tác an sinh xã hội của đất nước.

Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất rõ ràng về lộ trình, trước hết là ưu tiên cho các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi. Sau đó, sẽ tiến tới mục tiêu từ năm 2026, miễn phí khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần; và miễn viện phí toàn dân, có thể là vào giai đoạn 2030-2035.

Để đạt được những mục tiêu này, cần sự đồng bộ của các cơ quan chức năng, ngành y tế. Đặc biệt, toàn xã hội phải cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y.

. Để thực hiện những mục tiêu này, theo ông, cần huy động nguồn lực tài chính từ đâu?

+ Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt. Theo tôi, cần có 3 nguồn chính.

Thứ nhất là quỹ bảo hiểm y tế, cần phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, toàn diện và đa dạng các hình thức bảo hiểm.

Thứ hai là nguồn ngân sách nhà nước. Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để đầu tư, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cho y tế chuyên sâu.

Cuối cùng là nguồn xã hội hóa. Đây là nguồn rất quan trọng, cần có chiến lược huy động từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các quỹ xã hội; cần có cơ chế để huy động mạnh mẽ nguồn lực này tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ở các nước phát triển, nhiều bệnh viện phi lợi nhuận hoạt động hiệu quả nhờ nguồn xã hội hóa, từ việc các doanh nghiệp đầu tư vào quỹ an sinh.

Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả 3 nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030-2035 là hoàn toàn khả thi.

Chiến lược cho y tế cơ sở cần thay đổi

. Một trong những yếu tố then chốt để y tế đến gần hơn với người dân, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, chính là đội ngũ nhân lực. Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp cho vấn đề này?

+ Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt cho y tế cơ sở, là hết sức quan trọng và cần có chiến lược thay đổi.

Về chiến lược đào tạo, chúng ta không thể chỉ dựa vào điểm số cao để tuyển sinh vào các trường y rồi kỳ vọng họ sẽ về cơ sở. Thực tế là nhiều em điểm cao sau khi học xong sẽ tìm cách ở lại các đô thị lớn. Do đó, cần có cơ chế tuyển dụng người địa phương, đào tạo họ rồi đưa họ trở về phục vụ chính quê hương mình.

Chương trình đào tạo cho y tế cơ sở cũng cần điều chỉnh. Bác sĩ ở cơ sở phải là người đa năng: vừa biết đỡ đẻ, vừa biết cấp cứu gãy xương đùi, nhồi máu cơ tim, biết tiêm phòng, chăm sóc răng miệng cơ bản, xử lý các bệnh thông thường... Họ không cần quá chuyên sâu như ở tuyến trung ương nhưng phải giỏi về nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu ban đầu của người dân.

Về chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc, phải có chính sách phù hợp để bác sĩ yên tâm công tác tại cơ sở. Điều kiện làm việc, trang thiết bị thiết yếu, thuốc men cũng phải được đảm bảo.

Về ứng dụng chuyển đổi số, cần xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử liên thông từ xã lên huyện, tỉnh, trung ương. Điều này giúp tuyến trên có thể hội chẩn, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tải cho tuyến trên và người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn ngay tại địa phương.

Khi y tế cơ sở đủ mạnh, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh tốt. Nhiều bệnh lý được giải quyết ngay tại tuyến dưới, giảm đáng kể chi phí và gánh nặng cho cả người dân và hệ thống y tế.

 Người dân tham gia khám sức khỏe miễn phí nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề về thị lực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TT

Người dân tham gia khám sức khỏe miễn phí nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề về thị lực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TT

. Từ góc độ một người làm công tác quản lý và cũng trực tiếp làm chuyên môn, ông có thể chia sẻ thêm kỳ vọng của mình đối với chủ trương miễn viện phí toàn dân?

+ Tôi có gần 30 năm công tác trong ngành y, từng chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ vùng sâu, vùng xa, khi đến Bệnh viện Bạch Mai thì nhiều gia đình đã khánh kiệt, thậm chí có những hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo sau một đợt chữa bệnh cho người thân.

Vì vậy, chủ trương miễn viện phí toàn dân đối với tôi không chỉ là một mệnh lệnh hành chính mà là một chiến lược phát triển đất nước, lấy con người làm trung tâm, thể hiện tính nhân văn vô cùng sâu sắc.

Chủ trương miễn học phí, rồi đến miễn viện phí, cùng với việc mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, đối với tôi, là tuyên ngôn về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chúng ta chuyển từ bị động chữa bệnh sang chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Tôi tin rằng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lộ trình bài bản, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân.

. Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, chuyên sâu của cả nước, Bệnh viện Bạch Mai có định hướng và lộ trình như thế nào để thực hiện chủ trương này, thưa ông?

+ Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế để phát triển thành một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Chúng tôi xác định có 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân nặng, ca bệnh khó, hiếm gặp, phức tạp. Bệnh viện Bạch Mai không được từ chối bất cứ trường hợp nào thuộc các nhóm này.

Bệnh viện định hướng phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đào tạo cả cơ bản và chuyên sâu, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Cạnh đó, sẽ phát triển nghiên cứu y học chuyên sâu, bao gồm nghiên cứu ứng dụng, áp dụng tiến bộ của thế giới, đồng thời phải phát minh, tìm ra các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, thuốc mới.

Đây chính là chiến lược của Bệnh viện Bạch Mai trong tương lai để xứng đáng với vị thế của một bệnh viện đa khoa quốc tế hạng đặc biệt chuyên sâu.

. Xin chân thành cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh chủ trương miễn viện phí toàn dân là chủ trương lớn, nhân văn, có tác động tích cực trong việc chăm nom sức khỏe nhân dân.

Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người, cần chi khoảng 25.000 tỉ/năm.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh; tăng mức hưởng BHYT lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, đồng thời có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang hưởng 80%. Hiện tại có 3 mức hưởng gồm 80%, 95% và 100%.

Từ năm 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-doc-benh-vien-bach-mai-muc-tieu-mien-vien-phi-vao-2030-2035-hoan-toan-kha-thi-post850066.html