Người nhà bệnh nhân và bác sĩ cần thấu hiểu cho nhau

Chỉ cần mỗi người nhẫn nại một chút, lắng nghe một chút, hiểu cho nhau một chút... thì bác sĩ và người nhà bệnh nhân sẽ không còn là hai phía đối lập.

Sau một tuần bận rộn, ông Hoàng và ông Tuấn lại gặp nhau chuyện trò, bình luận nhiều chuyện thời sự. Nhấp môi ngụm trà chát, ông Hoàng than thở với bạn:

- Đạo đức xã hội giờ xuống cấp quá rồi ông ạ. Ai đời người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế khi đang cấp cứu cho người bệnh? Thế mà vị bác sĩ ấy cũng tài thật, mặc cho bị đánh vẫn cứ ép tim cứu người.

- Ông nói tôi mới nhớ, gần đây có mấy vụ việc liên quan đến bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Cũng như vụ việc cháu bé ở Nam Định bị tai nạn được đưa vào cấp cứu thì bệnh viện bắt đóng viện phí mới được cấp cứu. Nếu là con cháu nhà mình bị như thế có khi tôi cũng không kiềm chế được ông à.

- Đấy, ai cũng nóng vội như ông mới xảy ra cơ sự thế. Rồi bác sĩ họ cũng sinh tâm lý e ngại không dám cấp cứu nữa...

- Thế tôi hỏi ông, người nhà mình cần cấp cứu chưa biết sống chết thế nào, tính mạng con người phải đặt lên trên hết chứ sao cứ phải nặng nề chuyện viện phí?

- Đấy chỉ là số ít thôi ông ơi. Nhiều người nhà bệnh nhân cũng quá đáng lắm cơ. Có lần tôi đưa bà nhà tôi vào viện thấy có cháu bé ngã gẫy tay. Nhân viên y tế đã tới hỏi han để nắm bắt tình hình trước, còn bác sĩ đang cấp cứu cho trường hợp khác. Thấy thế người nhà cháu bé lập tức làm ầm lên, rằng là không cứu chữa cho con họ, rồi chửi bới ầm ĩ… Nếu ai cũng như gia đình kia thì bệnh viện loạn lên mất ông ạ.

- Thì đương nhiên, người nhà mình bị làm sao mình chẳng cuống lên chứ ông, sao mà bình tĩnh được...

- Không thể lấy lý do như thế. Khi mình đưa người nhà tới bệnh viện tức là mình đã tin tưởng bác sĩ. Bằng kinh nghiệm họ biết đánh giá ban đầu tình trạng của từng bệnh nhân để biết phải làm gì trước. Ai cũng như ông bệnh viện dễ hỗn loạn lắm.

- Cũng biết là phải bình tĩnh nhưng tôi thấy ở bệnh viện tư chỉ cần bệnh nhân tới cửa họ đã đón tiếp rất nhiệt tình. Người hỏi han, người chỉ đường… Đằng này vào một số bệnh viện công cứ như mình phải đi xin xỏ, phải dè chừng thái độ của nhân viên y tế.

- Bệnh viện dù tư hay công đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Bản thân các bệnh viện công giờ cũng đã thay đổi rất nhiều về văn hóa ứng. Họ đã xây dựng bệnh viện thân thiện, bác sĩ, nhân viên y tế cũng có thái độ tích cực để thu hút bệnh nhân dù công việc của họ rất nhiều áp lực.

- Người nhà cấp cứu chưa biết sống chết thế nào, nhưng vào viện chỉ nhận được thái độ thờ ơ của bác sĩ, nhân viên y tế thì tôi nói thật cũng khó ai mà bình tĩnh được ông ạ. Nhưng vào đó mà làm loạn nên thì bác sĩ cũng chẳng còn tâm trí đâu mà cấp cứu cho bệnh nhân nữa...

- Ở đâu cũng có quy định, mình phải tôn trọng. Bác sĩ, nhân viên y tế họ không làm hết trách nhiệm thì họ phải nhận hình thức kỷ luật của ngành, nặng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mà tôi nghĩ bản án lương tâm cũng đã đủ khiến họ không còn đủ tự tin thực hiện nhiệm vụ sau này. Vậy nên mình cứ làm tròn bổn phận mình trước ông ạ.

- Vâng. Làm ồn ào lên người nhà mình thiệt trước vì sẽ không được cấp cứu kịp thời. Chỉ mong bác sĩ, nhân viên y tế cũng hiểu cho tâm trạng của người nhà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ. Ai cũng hiểu cho nhau để cuộc sống dễ dàng hơn. Ơn nghĩa đều có vay có trả cả...

TÂM PHÚC

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-nha-benh-nhan-va-bac-si-can-thau-hieu-cho-nhau-411375.html