Giám đốc BV Chợ Rẫy đề nghị thiết kế 1 chương riêng về đấu thầu lĩnh vực y tế
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu quan điểm khi cho ý kiến về dự luật đấu thầu. Ông đề nghị thiết kế một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 7/11, các đại biểu đã cho ý kiến về dự luật Đấu thầu (sửa đổi). Với kinh nghiệm điều hành bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), đại biểu Nguyễn Tri Thức nhiều lần đề nghị thiết kế một chương riêng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Điều này, theo ông Thức, nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn hiện nay.
Ông cũng lưu ý cần “lấp đầy” khoảng trống pháp lý về vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế.
Đề cập đến việc chỉ định thầu, hoạt động “dễ phát sinh tiêu cực nhất”, bác sĩ Thức cho rằng quy định càng chi tiết càng tốt.
“Dự thảo đã quy định những gói thầu tư vấn, dịch vụ… có thể được chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu, bất khả kháng. Nhưng cần bổ sung cả trường hợp cấp bách nữa, vì nếu không sẽ không xử lý được nhưng vụ việc như đợt ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay” – ông Thức phân tích.
Ghi nhận điểm tiến bộ là trong một số trường hợp, dự thảo Luật đã cho phép các đơn vị y tế được lựa chọn xuất xứ thương hiệu, nhưng theo ông Thức, cần đi xa hơn nữa.
“Không nên đánh đồng chỉ định thầu với tiêu cực. Phải có niềm tin với các hội đồng chuyên môn” – bác sỹ Thức nêu quan điểm.
Phát biểu nối tiếp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phản ánh, sở dĩ từ trước tới giờ chúng ta cứ “cãi nhau” mãi về chuyện này vì một túi hồ sơ, hai túi hồ sơ, quay đi quay lại vẫn quay về đấu thầu, mà khi đấu thầu thì giá rẻ nhất sẽ thắng thầu.
“Giá rẻ nhất sẽ đi liền theo chất lượng” – nữ đại biểu nhận định.
Theo bà Lan, trong lĩnh vực y tế, nếu chọn mặt hàng rẻ nhất là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. “Nếu tính phục hồi thì chưa biết cái gì rẻ hơn cái gì. Chúng ta tiết kiệm một đồng hôm nay nhưng tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân, bác sỹ cũng nản...” – bà Lan nhìn nhận.
Cho rằng đấu thầu là hy vọng có thể bớt được tiêu cực, có thể lựa chọn được những mặt hàng giá thấp nhưng với kinh nghiệm đi giám sát, đại biểu của TPHCM nhận định vẫn có thể luồn lách và có tiêu cực trong đấu thầu.
“Có những bệnh viện khi lập hồ sơ mời thầu, đưa tiêu chí kỹ thuật vào, đưa luôn cả tiêu chí “sắc đẹp”, viên thuốc đó phải có màu gì, hình dáng thế nào..., trong khi đó là những yêu cầu rất vô lý” – bà Lan nêu ví dụ, đồng thời lưu ý, đấu thầu cũng “tạo vườn ươm cho những tiêu cực”.
Đại biểu Lan cũng đề nghị khi xây dựng giá kế hoạch, không lấy giá trúng thầu của năm nay làm giá kế hoạch của năm sau.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thu Dung (Thái Bình) góp ý, thuốc - vật tư y tế nếu được coi mặt hàng thông thường áp dụng Luật Đấu thầu thì sẽ khó thực hiện. Vì thuốc rẻ chưa chắc đã là tốt.
“Thuốc nếu không được điều trị thuốc tốt ngay từ đầu, như kháng sinh, không được điều trị kháng sinh tốt từ đầu sẽ kéo dài thời gian điều trị, và kháng thuốc” - bà Dung nói. Vì lẽ này, đại biểu yêu cầu nên coi thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt trong áp dụng luật đấu thầu.
Chung mối quan tâm về sửa đổi quy định, chỉ định thầu cho mua sắm thuốc, vật tư y tế trong phòng, chống dịch trong trường hợp khẩn cấp…, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, nếu việc này chỉ áp dụng trong phòng chống dịch thì chưa bao quát.
“Thực tế nhiều loại thuốc chờ đấu thầu thì không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh” - đại biểu nói. Ông Trí đề nghị mở rộng để ngành y tế có thể mua đủ thuốc men, hóa chất điều trị bệnh.