Giám đốc CDC Đà Nẵng cùng thuộc cấp chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng
Ông Thạnh chỉ đạo 2 nhân viên làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa mẫu gộp, kit xét nghiệm được tài trợ để chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.
Ngày 20/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh (sinh năm 1964, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng - gọi tắt là CDC Đà Nẵng) về hành vi Tham ô tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 353 BLHS.
Ngoài ra, Công an TP Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1982, Trưởng Khoa Xét nghiệm của CDC Đà Nẵng), khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Lê Thị Kim Chi (sinh năm 1986, nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) cùng về tội danh trên.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khám xét, thu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án tại nơi ở và nơi làm việc của ông Thạnh và các bị can nói trên.
"Phù phép" sinh phẩm xét nghiệm để chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng
Theo hồ sơ, năm 2021, trên cơ sở các đề nghị của Sở Y tế, CDC Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt 5 quyết định mua sinh phẩm, vật tư ý tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, ngày 27/2/2021, UBND TP Đà Nẵng có quyết định số 663, phê duyệt hơn 34,5 tỷ đồng cho 7 mặt hàng sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Trong đó, hơn 29,2 tỷ đồng mua 20.000 test iVAa DNA/RNA Extraction Kit aM (160.000 đồng/test), 20.000 test iVA aRNA Extraction Kit P (31.500 đồng/test) và 50.000 test LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR kit (509.250 đồng/test) của Công ty Việt Á.
Tiếp đó, ngày 12/8, UBND Đà Nẵng có Quyết định số 2778, phê duyệt tiếp hơn 62,3 tỷ đồng để mua hơn 17 mặt hàng của nhiều công ty trong và ngoài nước. Trong đó, gần 15 tỷ đồng mua kit test của của Công ty Việt Á.
Ngày 17/8/2021, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký Quyết định số 2811, phê duyệt hơn 67,7 tỷ đồng mua 8 mặt hàng phòng chống dịch. Trong đó, địa phương mua của Công ty Việt Á 90.000 bộ trang thiết bị vitro phát hiện RNA của SARS-CoV-2 (giá 367.500 đồng/test); 100.000 kit tách chiết DNA/RNA (giá 136.500 đồng/ test); 10.000 kit tách chiết RNA (giá 42.000 đồng/test) với số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Đến ngày 10/9/2021, ông Hồ Kỳ Minh ký Quyết định số 2952, duyệt hơn 48,6 tỷ đồng mua 15 mặt hàng. Trong đó, mua test của Công ty Việt Á hết hơn 20 tỷ đồng.
Ngày 13/12/2021, ông Hồ Kỳ Minh ký tiếp Quyết định số 3982, phê duyệt hơn 54,8 tỷ đồng mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19. Trong đó, hơn 28,2 tỷ đồng mua kit của Công ty Việt Á.
Điều đáng nói, trong năm 2021, Đà Nẵng bùng phát dịch nên có rất nhiều cơ quan, đơn vị tài trợ sinh phẩm xét nghiệm cho thành phố. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, trong năm 2020 và 2021, ông Thạnh đã chỉ đạo Nhàn và Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục nghìn mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 thành mẫu đơn.
Đồng thời, những người này hợp thức hóa hàng chục nghìn bộ kit được các đơn vị tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á. Số vật tư dôi dư sau khi “phù phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng.
Sẽ làm rõ những dấu hiệu vụ lợi của các nhóm nhỏ
Nói về vụ án này, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết trong tổng số lượng kit test, sinh phẩm phòng chống dịch trị giá 275 tỷ đồng mà Đà Nẵng đã mua, thì phần liên quan đến Việt Á là 248 tỷ đồng.
"Đà Nẵng thuộc top các địa phương mua của Việt Á nhiều nhất. Với số lượng như thế thì sai phạm là có”, thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói và khẳng định “với số lượng như thế thì sai phạm là có”.
Người đứng đầu Công an Đà Nẵng cho biết thêm Bộ Công an đã chỉ đạo cần làm rõ dấu hiệu vụ lợi trong vụ mua sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ thận trọng xác minh có sự vụ lợi trong vụ án này hay không.
"Khi khởi tố, cần có sự trao đổi với Bộ Công an và cả Viện kiểm sát để khi xử lý phải tâm phục khẩu phục. Công an TP sẽ đi sâu, làm rõ những dấu hiệu vụ lợi của các nhóm nhỏ. Nếu phát hiện dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, hoặc tham ô thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh”, tướng Viên nói.
Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng phân tích, về vi phạm các quy định liên quan đấu thầu thì chỉ cần tính các dấu hiệu thiệt hại là đã cấu thành tội phạm. "Nhưng ngoài yếu tố buộc tội, cơ quan điều tra cũng phải xem xét các yếu tố gỡ tội để đảm bảo khách quan, toàn diện", Giám đốc Công an Đà Nẵng nói thêm.