Giám đốc Công an TP.HCM: Xâm hại trẻ em do người lớn có nhiều sơ hở

Tư lệnh ngành Công an TP.HCM cho rằng, một trong số nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em là do người lớn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc.

Sáng 9/12, HĐND TP kỳ họp thứ 17 bước vào ngày thứ 3 với phiên chất vấn Giám đốc Công an TP.HCM.

Theo các đại biểu, tội phạm tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp. Trong khi tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê... cũng không kém phần nhức nhối.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng

Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong cho biết, ngành công an đã rất nỗ lực để hạn chế các vấn đề nóng xảy ra.

Theo ông Phong, năm nay số vụ xâm hại tình dục tăng 35 vụ so cùng kỳ năm ngoái. Qua phân tích, tại khu vực vắng ngoại thành có 13 vụ; khách sạn, nhà trọ có 67 vụ; khu vực công cộng xảy ra 18 vụ. Trong đó, có 15 vụ các cháu đi một mình, không có người chăm sóc.

Về đối tượng xâm hại, trong năm nay xử lý được nhiều vụ hơn năm ngoái, khởi tố 52 vụ với 44 bị can.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn GĐ Công an TP về các vấn đề ma túy, đòi nợ thuê và xâm hại tình dục...Ảnh: Hồ Văn

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn GĐ Công an TP về các vấn đề ma túy, đòi nợ thuê và xâm hại tình dục...Ảnh: Hồ Văn

Phân tích về xâm hại trẻ em, cho thấy công tác phòng ngừa, quản lý chăm sóc trẻ em trong cộng đồng có nhiều sơ hở, dẫn đến hành vi xâm hại. Trong khi đó, luật trẻ em đã có quy định việc bỏ rơi trẻ em là hành vi nghiêm cấm.

“Cha mẹ, người chăm sóc không thực hiện đầy đủ việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em…sẽ có hình thức xử lý, thế giới người ta còn quy định rõ độ tuổi nào của trẻ ra ngoài phải có người kèm. Quy định trách nhiệm cho cha mẹ, người chăm sóc thật cụ thể… cũng là một giải pháp căn cơ, để bảo vệ trẻ em trước hành vi xấu. Ngoài ra giáo dục kỹ năng cho các cháu cũng là cần thiết”, GĐ Lê Đông Phong cho biết.

Vụ Alibaba: Người dân vẫn hy vọng mình không bị lừa

Trả lời về hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền, ông Phong cho hay, Công an TP cần tăng cường trách nhiệm trong việc nắm tình hình, phối hợp kiểm tra hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Một giải pháp nữa, là phải thông tin đầy đủ đến nhân dân để tránh bị lừa đảo.

Thông tin về vụ Alibaba, ông Phong cho hay, để khởi tố vụ án này gặp rất nhiều khó khăn

“Như vụ Alibaba thì đất ở đâu cũng không ai biết, có dự án hay không có dự án, biết bao nhiêu người bị lừa đảo. Khó khăn lắm công an mới khởi tố được vụ án và xử lý đối tượng”, ông Phong cho hay.

Theo tư lệnh ngành Công an TP, ban đầu chỉ có 2 đơn tố cáo, đến giờ thì rất nhiều. Điều này chứng tỏ, người dân vẫn hy vọng mình không bị lừa.

“Người dân cũng phải có trách nhiệm khi tham gia giao dịch, phải có nghĩa vụ tìm hiểu về tính xác thực của giao dịch đó. Ngoài ra, trong vụ Alibaba có người bị lừa do bị hấp dẫn bởi lãi suất được hứa hẹn dù không có căn cứ gì để có thể tin rằng lãi suất đó là thật”, lời ông Phong.

Không chấp nhận đòi nợ thuê

Về tín dụng đen, theo ông Phong, công an xác định địa bàn hiện còn 51 nhóm, 178 đối tượng có dấu hiệu cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Năm 2018 không xử lý vụ nào thì năm nay xử lý 9 vụ, 38 nhóm, 168 đối tượng.

GĐ Công an TP Lê Đông Phong cho biết, TP.HCM không châp nhận dịch vụ đòi nợ thuê. Ảnh: Hồ Văn

GĐ Công an TP Lê Đông Phong cho biết, TP.HCM không châp nhận dịch vụ đòi nợ thuê. Ảnh: Hồ Văn

Theo quy định, đây là dịch vụ hỗ trợ giao dịch bình thường, nhưng doanh nghiệp đòi nợ thường có các đối tượng xấu ẩn mình. Đòi nợ bằng khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho con nợ, mất trật tự nơi công cộng.

“Quan điểm của chúng tôi không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê, chúng tôi đã tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ không cho tồn tại loại hình đòi nợ thuê”, ông Phong cho biết.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giam-doc-cong-an-tphcm-xam-hai-tre-em-do-nguoi-lon-co-nhieu-so-ho-596307.html