Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu sinh viên phải 'làm chủ công nghệ'

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường cho phép sinh viên sử dụng AI, ChatGPT, không ngăn cấm. Điều quan trọng là các em sẽ sử dụng những công cụ này như thế nào. Theo ông, đối với sinh viên phải làm chủ công nghệ, làm chủ quy trình.

Ngày 16.4, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập thích ứng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo”. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.

Tọa đàm nhằm tạo không gian trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, giảng viên về xu hướng chuyển đổi trong phương pháp giảng dạy và học tập trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trong bối cảnh AI và công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn giảng dạy, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, tăng tính cá nhân hóa trong học tập và phát triển tư duy sáng tạo cho người học.

 Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Yêu cầu với sinh viên thế hệ mới trong thời đại số

Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, dù chúng ta đang nói nhiều về thế giới số, mục tiêu cuối cùng của con người là thế giới thực. Thế giới số chỉ là phần bổ trợ, giúp thế giới thực ngày càng trở nên phong phú hơn, tốt hơn.

Tương tự như vậy, với không gian số và không gian thực, mục tiêu cuối cùng của con người vẫn là không gian thực. Dù trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đến đâu thì cuối cùng, sự tiếp xúc giữa người với người, thể hiện được tình cảm, cảm xúc vẫn là điều cao nhất, quan trọng nhất. Tất cả công nghệ được phát triển cũng là để phục vụ thế giới thực.

“Chính vì vậy, ngay từ cách đây vài năm, Đại học Kinh tế Quốc dân đã khẳng định sẽ cho phép sinh viên sử dụng AI, ChatGPT, không ngăn cấm. Điều quan trọng là các em sẽ sử dụng những công cụ này như thế nào”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Theo ông, đối với sinh viên, yêu cầu cuối cùng phải là khả năng làm chủ công nghệ, làm chủ tình hình. Khi các em học tập, những công cụ như ChatGPT có thể hỗ trợ đưa ra câu trả lời, nhưng các em cần hiểu được, vận dụng được câu trả lời đó. “Làm chủ” ở đây có nghĩa sinh viên phải đặt ra được vấn đề, hiểu được quy trình, còn ChatGPT hay các công cụ khác sẽ hỗ trợ đưa ra lời giải. Giảng viên cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức và phương pháp tư duy để từ đó các em hiểu được, làm chủ được công nghệ.

“Trong thời đại số, những nội dung cần nhớ, cần tổng hợp, AI có thể hỗ trợ. Nhưng việc đưa ra vấn đề, hiểu được cách làm, phát triển và phản biện vấn đề, tư duy sáng tạo là yêu cầu với sinh viên thế hệ mới. AI sẽ là công cụ, là người bạn, còn quan trọng nhất vẫn là tư duy và kiến thức của mình để hiểu tất cả những điều AI đang làm”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

 GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết nhà trường đang tiến tới việc ứng dụng, áp dụng phương thức đào tạo Lecture/Seminar. Mô hình này được hiểu là việc dạy và học 1 môn học/học phần kết hợp giữa các lớp Lecture và lớp Seminar trong một học kỳ. Lớp Lecture gồm một hoặc nhiều lớp học phần (sinh viên đăng ký học cùng một môn học/học phần) có quy mô không quá 300 sinh viên; lớp Seminar là lớp học phần có quy mô từ 20 đến 30 sinh viên.

Với mô hình này, sẽ có khoảng một nửa thời gian trong các môn học, sinh viên có quyền đến trường hoặc không đến trường nghe giảng. Toàn bộ bài giảng ở các phòng học thông minh sẽ được ghi lại. Sinh viên có thể tham gia trực tuyến hoặc có thể lưu lại các băng video về để học bất kể lúc nào. Trong lớp Seminar, sinh viên chủ yếu tương tác trực tiếp với nhau, tương tác với giảng viên và giải quyết các tình huống, bài tập thực tiễn cũng như các nhiệm vụ cụ thể.

GS.TS Phạm Hồng Chương bày tỏ hy vọng với phương thức đào tạo Lecture/Seminar cùng những công cụ như ChatGPT và các phần mềm, việc học của sinh viên sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn, thời gian ngắn hơn, học được nhiều kiến thức hơn và làm chủ được nhiều công nghệ hơn. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của nhà trường trong bối cảnh số.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết trong những năm vừa qua, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ cấu tổ chức cũng như việc nâng cao chất lượng đào tạo.

 PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

PGS.TS Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh, thời gian qua, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI đã tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đại học Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu phát huy những năng lực nội tại, ứng dụng được thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình đào tạo, giảng dạy như: viết giáo trình như thế nào, đánh giá sinh viên ra sao, ứng dụng AI cho quá trình giảng dạy, giúp bài giảng sinh động, truyền thụ kiến thức hiệu quả nhất; giúp sinh viên hứng thú hơn trong quá trình học tập,...

Đó là lý do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập thích ứng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo”.

Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn các bài tham luận, các ý kiến từ chuyên gia tại Tọa đàm có thể đưa ra những giải pháp thiết thực nhất để từ đó ứng dụng AI hiệu quả trong quá trình giảng dạy, theo mô hình thực tiễn.

Trường đại học cần hướng dẫn sinh viên cách dùng AI phục vụ hiệu quả mục đích học tập

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập để thích ứng với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

 TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tuấn Anh

TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng ứng dụng AI vào giáo dục sẽ giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc tạo đề cương, bài giảng, ví dụ, câu hỏi kiểm tra, nhanh và chất lượng bằng AI. Đồng thời, tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại như chấm bài, kiểm tra ngữ pháp, dành thời gian cho các công việc giá trị hơn như hướng dẫn sinh viên, đổi mới phương pháp dạy học. AI hỗ trợ giảng viên tự phát triển bản thân, tự học thêm các kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới.

AI cũng hỗ trợ các giảng viên trong nghiên cứu khoa học bởi sẽ giúp tự động hóa các công đoạn: tìm kiếm tài liệu, trích dẫn, tóm tắt tự động giúp hiểu nhanh nội dung cốt lõi; giúp viết bài báo học thuật hiệu quả: gợi ý cấu trúc bài viết, chuẩn hóa theo học thuật quốc tế, kiểm tra chính tả, ngữ pháp, diễn đạt tự nhiên.

Với sinh viên, AI giúp tối ưu hóa thời gian và hiệu quả học tập. AI hỗ trợ sinh viên ôn tập, làm bài tập, chuẩn bị thuyết trình mà không mất quá nhiều thời gian tìm kiếm thông tin; tóm tắt tài liệu, giải thích thuật ngữ chuyên ngành. Khi sử dụng AI đúng cách, sinh viên học được cách đặt câu hỏi, kiểm chứng thông tin, tư duy phản biện. AI cũng có thể gợi ý phản biện lại một luận điểm, giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, cũng như hỗ trợ học ngoại ngữ và kỹ năng.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang Huy cũng nhấn mạnh, AI đặt ra những thách thức chưa từng có về tư duy độc lập và gian lận học thuật trong giáo dục. Với giảng viên, thách thức đến từ việc thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền đạt kiến thức sang hướng dẫn, rèn luyện khả năng tư duy phản biện. Bên cạnh đó là khó khăn trong kiểm tra và đánh giá tính trung thực trong học tập của sinh viên; khó khăn trong cập nhật kiến thức và công nghệ một cách liên tục.

Với sinh viên, nhiều em phụ thuộc vào AI, làm suy giảm khả năng tư duy độc lập. Nhiều sinh viên thiếu kỹ năng kiểm chứng thông tin, dễ bị dẫn dắt sai lệch, sử dụng nguồn không chính thống; khó phát triển cá nhân, bị cạnh tranh trong công việc.

ThS Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty CP Công nghệ Giáo dục Thiên Hà Xanh đưa ra nhận định, tương lai của AI trong giáo dục có thể bao gồm việc học tập “siêu cá nhân hóa” - nơi AI phân tích dữ liệu học sinh để tạo lộ trình học tập hoàn toàn phù hợp; cùng các lớp học ảo và mô phỏng thực tế tăng cường (VR/AR) tích hợp AI, mang lại trải nghiệm học tập nhập vai. AI cũng sẽ hỗ trợ giáo viên mạnh mẽ hơn thông qua các “trợ lý AI”, giúp lập kế hoạch bài giảng và đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, cần phát triển khung pháp lý đạo đức để đảm bảo AI được sử dụng một cách công bằng và an toàn.

 ThS Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty CP Công nghệ Giáo dục Thiên Hà Xanh. Ảnh: Tuấn Anh

ThS Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty CP Công nghệ Giáo dục Thiên Hà Xanh. Ảnh: Tuấn Anh

Theo ThS Nguyễn Trí Hiển, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong giáo dục. Chính phủ dành 20% ngân sách cho giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức như khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và nhu cầu hiện đại hóa chương trình học.

Do đó, chuyên gia này đề xuất việc tích hợp AI cần tập trung vào cơ sở hạ tầng và tiếp cận thông qua đảm bảo các trường học, đặc biệt ở vùng nông thôn có công nghệ và kết nối internet cần thiết. Bên cạnh đó, cung cấp chương trình phát triển chuyên môn để giáo viên sử dụng hiệu quả các công cụ AI.

ThS Nguyễn Trí Hiển cũng đề xuất tích hợp kỹ năng AI vào chương trình học và phát triển nội dung giáo dục phù hợp với văn hóa, nhu cầu địa phương; khuyến khích Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ sử dụng AI, bảo vệ dữ liệu học sinh và thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế; xây dựng hệ sinh thái EdTech & AI bền vững tại Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

Phát biểu tại Tọa đàm, một sinh viên đại diện lớp Trí tuệ nhân tạo khóa đầu tiên của Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, trong quá trình học tập, em và các bạn sử dụng AI rất nhiều. AI vừa là người thầy, người bạn, khi các thầy cô không thể kèm sát sao hết 40 sinh viên một lớp.

Sinh viên này nhấn mạnh, vấn đề lạm dụng AI cho bài kiểm tra, bài thảo luận của sinh viên không phải vấn đề mới. Trên thực tế, việc xuất hiện những sinh viên có tư tưởng “gian lận” ở thời điểm nào cũng có. Khi AI chưa phát triển như hiện nay, họ có thể sao chép từ những nguồn khác từ sách hay các tài liệu nghiên cứu.

AI chỉ là một trong những công cụ để những sinh viên có tư tưởng “gian lận” sao chép. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên khác, AI lại giúp hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu dễ dàng hơn.

“Do đó em đề xuất thay vì hạn chế sinh viên sử dụng AI thì nhà trường sẽ có hướng dẫn chúng em cách dùng AI như thế nào để chính xác, phục vụ hiệu quả mục đích học tập”, sinh viên này bày tỏ.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-doc-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-yeu-cau-sinh-vien-phai-lam-chu-cong-nghe-post410435.html