Giám đốc NASA kêu gọi điều tra Elon Musk vì thường xuyên trao đổi với Tổng thống Nga Putin

Giám đốc NASA Bill Nelson kêu gọi điều tra Elon Musk sau cáo buộc thường xuyên trao đổi với Tổng thống Nga Putin từ cuối 2022, gây lo ngại cho an ninh quốc gia Mỹ.

Giám đốc NASA, ông Bill Nelson, đã kêu gọi mở cuộc điều tra trước các cáo buộc cho rằng tỷ phú Elon Musk đã thường xuyên trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ cuối năm 2022. Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Thế giới của Semafor vào ngày thứ Sáu.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (Trái) và tỷ phú Mỹ Elon Musk (Phải). Ảnh: Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Trái) và tỷ phú Mỹ Elon Musk (Phải). Ảnh: Getty Images

Ông Musk, người giàu nhất thế giới, trong nhiều năm qua đã xây dựng mối quan hệ kinh doanh sâu sắc với quân đội và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, trong khi vẫn giữ liên lạc với một trong những lãnh đạo đối đầu hàng đầu của Mỹ. Tờ Wall Street Journal đưa tin vào thứ Năm vừa qua về nghi vấn này.

Ông Nelson nhấn mạnh: "Tôi không biết liệu thông tin này có chính xác không, nhưng tôi nghĩ cần phải điều tra. Nếu có các cuộc trao đổi thường xuyên giữa Elon Musk và Tổng thống Nga, điều này có thể gây lo ngại đối với NASA, Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo."

Vấn đề an ninh quốc gia đang được đặt ra, khi Elon Musk có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Hoa Kỳ. Theo New York Times, các công ty của Musk đã ký gần 100 hợp đồng với 17 cơ quan liên bang vào năm ngoái.

Đầu năm nay, NASA công bố đã chọn SpaceX để phát triển một phương tiện không gian giúp đưa Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ra khỏi quỹ đạo vào năm 2030, với hợp đồng trị giá khoảng 800 triệu USD.

Trước đó, SpaceX từng giành được một hợp đồng bảo mật trị giá 1,8 tỷ USD vào năm 2021 và Musk đã được cấp quyền truy cập vào một số thông tin mật. Vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Musk đã hỗ trợ Ukraine bằng cách tặng hàng trăm trạm thu phát Starlink, cung cấp internet cho các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công của Nga.

Tuy nhiên, sau đó SpaceX đặt ra giới hạn cho việc sử dụng Starlink trong các hoạt động tấn công của Ukraine.Trong một lần khác, Tổng thống Nga Putin được cho là đã yêu cầu Musk không kích hoạt dịch vụ Starlink tại Đài Loan, như một sự nhượng bộ đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo thông tin từ Wall Street Journal.

Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết họ không bình luận về các cá nhân có quyền truy cập bảo mật, cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh cá nhân.

 Elon Musk phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử để ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, tại Folsom, Pennsylvania, vào ngày 17 tháng 10 năm 2024. Ảnh: AP/Matt Rourke

Elon Musk phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử để ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, tại Folsom, Pennsylvania, vào ngày 17 tháng 10 năm 2024. Ảnh: AP/Matt Rourke

Trong khi đó, nhà báo kỳ cựu Bob Woodward đã tiết lộ cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin từng có trao đổi với nhau, mặc dù ông Trump không đưa ra bình luận chính thức. Trump khẳng định rằng mối quan hệ tốt đẹp với các lãnh đạo quốc tế là điều tích cực, đồng thời cho biết ông sẵn sàng cân nhắc vị trí trong chính phủ cho Musk nếu đắc cử.

Chính quyền Biden tiếp tục viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới. Phía ông Trump và đội ngũ của ông từng ngụ ý rằng họ có thể sẽ giảm bớt sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu ông đắc cử, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine.

Phía Điện Kremlin cho biết, liên hệ duy nhất giữa họ và Musk là một cuộc gọi, trong đó nội dung thảo luận chủ yếu xoay quanh lĩnh vực không gian và công nghệ hiện tại, cũng như tương lai. Cả Hoa Kỳ và Nga đều cạnh tranh quyết liệt trong không gian vũ trụ cũng như tại chiến trường Ukraine, trong khi NASA vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với SpaceX.

Tháng Năm vừa qua, một quan chức Lầu Năm Góc đã thông báo trước Quốc hội Mỹ rằng Nga đang phát triển một vệ tinh có khả năng mang thiết bị hạt nhân, có thể đe dọa tất cả các vệ tinh của các nước và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Hệ thống vệ tinh này có thể tác động đến các lĩnh vực như truyền thông, khoa học, khí tượng, nông nghiệp, thương mại và an ninh quốc gia. Cố vấn An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Mỹ đã nhận thức rõ ý đồ này từ lâu, và cộng đồng tình báo Mỹ đã có thêm bằng chứng về những động thái mới của Nga trong thời gian gần đây.

Elon Musk hiện cũng là chủ sở hữu của X, nền tảng trước đây có tên là Twitter. Như nhiều mạng xã hội khác, nền tảng này gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát thông tin sai lệch, một số thông tin có thể do phía Nga tạo ra và lan truyền nhằm phục vụ lợi ích riêng.

Dũng Phan (Theo Washington Examiner)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-doc-nasa-keu-goi-dieu-tra-elon-musk-vi-thuong-xuyen-trao-doi-voi-tong-thong-nga-putin-post318597.html