Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: Nâng lãi suất là cần thiết để ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam xoay quanh động thái tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì lạm phát tăng phi mã, một loạt ngân hàng trung ương lớn đã buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá, bất chấp những cảnh báo về suy thoái.
Mới đây nhất, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thông báo tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm. Để tìm hiểu rõ hơn về những tác động của việc này đối với kinh tế Việt Nam cũng như những đánh giá về triển vọng kinh tế trong thời gian sắp tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Phóng viên: ADB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần lượt ở các mức 6,5% và 6,7% trong các năm 2022 và 2023. Đây được coi là một nhận định khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua rất nhiều khó khăn với lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng bị đình trệ. Xin ông đánh giá thêm về quyết định này của ADB.
Ông Andrew Jeffries: Việc giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở các mức 6,5% và 6,7% cho các năm 2022 và 2023 phản ánh những đánh giá tích cực của ADB đối với nền kinh tế.
Tôi cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách điều hành rất hiệu quả. Nhớ lại năm 2021 khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện rộng rãi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, góp phần mang lại một cách tiếp cận linh hoạt hơn với dịch bệnh, giúp nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Một thành tựu quan trọng khác của Việt Nam là khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô giữa bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt cú sốc liên quan đến đại dịch COVID-19 và những cú sốc về kinh tế như lạm phát toàn cầu, cuộc xung đột Nga-Ukraine và rủi ro suy thoái kinh tế… Về khía cạnh này, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát thành công trong năm nay, bất chấp áp lực rất lớn từ việc giá năng lượng và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Chính sách tiền tệ được Chính phủ thực hiện từ trước đến nay đã góp phần rất lớn vào thành công này, giúp kiểm soát nguồn cung tiền và đảm bảo nguồn cung tín dụng, giải quyết áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để phục vụ quá trình phục hồi.
Tôi đánh giá cao Việt Nam đã có một chính sách cân bằng rất tinh tế và những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần được ghi nhận.
Phóng viên: Một loạt ngân hàng trung ương, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã điều chỉnh nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này tạo ra một làn sóng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi. Ông đánh giá như thế nào về tình hình tại Việt Nam?
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm. Theo ông, động thái này của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Ông Andrew Jeffries: Liên quan đến rủi ro thoái vốn, tôi cho rằng Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn so với các quốc gia châu Á khác. Trước hết, Việt Nam không có khoản nợ chính phủ đáng kể nào trên thị trường trái phiếu quốc tế, và Việt Nam cũng có tỷ lệ nợ công tương đối thấp, tương đương 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vốn cũng giúp hạn chế các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn từ nước ngoài chảy vào và ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Fed có thể tạo ra xu hướng thoái vốn ngắn hạn, tuy nhiên điều quan trọng là đối với Việt Nam, các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn rất lành mạnh, nhờ vào các nền tảng kinh tế vững chắc trong trung hạn.
Một điều quan trọng nữa là FDI là kế hoạch dài hạn, dòng tiền đầu tư không đến rồi đi và sau đó biến mất chỉ vì những cú sốc kinh tế. Do đó, tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam với những nền tảng kinh tế vững vàng của mình sẽ vẫn là một điểm đến hấp dẫn của FDI.
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm là một ví dụ cho thấy chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ, trong bối cảnh lần lượt các ngân hàng trung ương lớn của thế giới như Fed, ECB và một loạt các ngân hàng trung ương trong khu vực đều đã tăng lãi suất.
Việc tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những bước đi cần thiết để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ (đồng Việt Nam -VND) với đồng USD có thể làm tăng chi phí tài chính.
Đây là điều tuy khó khăn nhưng cần phải làm.
Phóng viên: Việc Fed tăng mạnh lãi suất đã tác động đến tỷ giá của đồng USD, khiến đồng bạc xanh liên tục tăng giá so với các đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam. Kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định sản xuất và môi trường lạm phát của Việt Nam?
Ông Andrew Jeffries: Trên khắp các nền kinh tế châu Á, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đã tăng tốc khi nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực phản ứng với động thái siết chặt của Fed, ECB và một số ngân hàng khác bằng cách nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định tài chính.
Việc áp lực về giá tiếp tục tăng cao, trong khi lãi suất thực vẫn ở mức tương đối thấp, có thể khiến các cơ quan quản lý tiền tệ trong khu vực cân nhắc thắt chặt chính sách hơn nữa nhằm giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng thoái vốn.
Đối với Việt Nam, sự ổn định của đồng Việt Nam là rất quan trọng để hỗ trợ thương mại và kiềm chế lạm phát. Đồng nội tệ mất giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát vì khi đó hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, khiến tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế xấu đi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu rất nhiều hàng hóa trung gian để lắp ráp, hoàn thiện và tái xuất. Do đó, sự ổn định của đồng nội tệ là “chìa khóa” giúp duy trì mức giá đầu vào hợp lý cho những mặt hàng xuất khẩu quan trọng này.
Tôi đánh giá cao việc Việt Nam nâng lãi suất điều hành để phản ứng với các điều kiện thị trường toàn cầu và duy trì tỷ giá hối đoái ổn định giữa đồng nội tệ với đồng USD là cần thiết, và là một động thái quyết liệt nhằm cố gắng kiềm chế lạm phát.
Việc duy trì tỷ giá hối đoái ổn định giữa đồng Việt Nam và USD là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối của Việt Nam, đặc biệt là khi thặng dư thương mại và kiều hối - những nguồn cung cho dự trữ ngoại hối, có thể sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Nói cách khác, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn cung ngoại hối có thể giảm trong tương lai nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu hoặc suy thoái tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và các đối tác thương mại khác của Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính đối với một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và đặt ra nhiều thách thức khi chính phủ phải điều chỉnh chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái.
Lãi suất tăng ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ khiến nhu cầu trong nước giảm. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay của các doanh nghiệp sẽ tăng lên và khả năng đầu tư phục vụ tăng trưởng trong tương lai sẽ gặp thách thức. Người dân sẽ do dự với các dự án đầu tư dài hạn như bất động sản và mua nhà ở trong bối cảnh lãi suất tăng cao và họ phải phụ thuộc vào vay thế chấp.
Đây là một bài toán lớn đối với không chỉ Việt Nam mà còn đối với cả khu vực. Mặc dù vậy, Việt Nam đã làm rất tốt việc duy trì các nền tảng kinh tế khi đương đầu với đại dịch và những cú sốc từ bên ngoài. Điều này mang lại sức chống chịu cho nền kinh tế. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực cũng giúp Việt Nam có nhiều dư địa để đưa ra các biện pháp quyết đoán nhằm ổn định đồng nội tệ và hướng đến các mục tiêu dài hạn.
Tin tốt là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay rất mạnh mẽ. Chúng tôi dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,5% trong năm nay bất chấp những rủi ro đang diễn ra trên toàn cầu.
Phóng viên: Bên cạnh những yếu tố tích cực, ADB cũng cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những rủi ro nhất định, khi suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo và làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Ông có thể đưa ra một vài khuyến nghị để Việt Nam có thể hạn chế những rủi ro này.
Ông Andrew Jeffries: Môi trường lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn và xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới đang làm suy yếu nhu cầu toàn cầu. Việt Nam là một nền kinh tế mở. Điều đó có nghĩa là nhu cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Một vấn đề khác là tình trạng thiếu lao động có thể cản trở sự phục hồi của những ngành nghề xuất khẩu sử dụng nhiều lao động.
Vì vậy, khuyến nghị của tôi là Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và theo dõi sát tình hình kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng một loạt lãi suất điều hành là một phản ứng kịp thời trước những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có thể cần hỗ trợ tài chính một cách có mục tiêu cho nhóm những người dễ bị tổn thương nhất nếu lạm phát gia tăng. Việc triển khai cần được đẩy nhanh và nhắm đến những người có nhu cầu thật sự.
Trước khi quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hạn mức tín dụng như một công cụ để kiềm chế lạm phát, bằng cách hạn chế lượng tín dụng tối đa mà các tổ chức tài chính có thể cung cấp.
Công cụ này đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần chuyển sang những công cụ dựa trên thị trường nhiều hơn để giải quyết vấn đề này nhằm thúc đẩy khu vực tài chính phát triển lành mạnh trong dài hạn.
Vì vậy, trong khía cạnh tài chính, tôi cho rằng với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch cùng mức nợ công thấp và có nhiều dư địa tài khóa, Việt Nam sẽ có thể đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với nhiều điểm thú vị và sáng tạo để giúp các doanh nghiệp phục hồi sau khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch và những cú sốc.
Về dài hạn, sự ưu tiên nên tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm các chi phí trong kinh doanh. Đây là một quá trình lâu dài và liên tục.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!