Giám đốc Sở GD Sơn La nói về cơ hội của học sinh nếu thi trượt lớp 10 công lập

Nếu không đỗ vào lớp 10 trung học phổ thông công lập, cơ hội của các em vẫn rất rộng mở với nhiều sự lựa chọn.

Kỳ thi tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã kết thúc an toàn và nghiêm túc.

Đây cũng là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La tổ chức thi tuyển đầu vào ở tất cả các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh, thay vì trước đây chỉ có trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh thi tuyển.

Riêng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vẫn thực hiện phương thức xét tuyển.

Như vậy, việc tất cả các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức thi tuyển nhằm tăng chất lượng đầu vào thì sẽ có không ít thí sinh thi trượt công lập.

Không đỗ vào lớp 10 công lập là điều không có học sinh, phụ huynh nào mong muốn bởi 9 năm học trôi qua biết bao nhiêu nỗ lực phấn đấu của học sinh, bao kỳ vọng của cha mẹ dành cho con em mình.

Vậy nếu không đỗ vào lớp 10 trường công lập thì các em học sinh ở Sơn La sẽ có những cơ hội học tập nào?

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La để có thêm thông tin về việc phân luồng học sinh trung học cơ sở và cơ hội cho những học sinh không may thi trượt lớp 10 công lập tại địa phương này.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại Sơn La. Ảnh minh họa: Báo Sơn La

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại Sơn La. Ảnh minh họa: Báo Sơn La

Thầy Nguyễn Huy Hoàng cho biết, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La rất quan tâm thông qua việc ngành đã tích cực tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trong đó chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp để học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học sau trung học cơ sở.

Khuyến khích học sinh không có nguyện vọng học tiếp chương trình trung học phổ thông tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với học nghề để trở thành người lao động có tay nghề, có trình độ, góp phần củng cố lực lượng lao động trình độ cao cho địa phương.

Tuyên truyền giúp học sinh có nhận thức đúng về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, về việc học nghề sau trung học cơ sở, trung học phổ thông để lập thân, lập nghiệp và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh trong tương lai.

Hai là, các trường có cấp trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các trường trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh nắm bắt nhu cầu của học sinh, chủ động trong việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh công tác tuyển sinh vào trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, xây dựng phương án tuyển sinh sát thực tiễn.

Trong trường hợp địa phương có hiện tượng có nhiều học sinh không tiếp tục theo học sau trung học cơ sở, các đơn vị phải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động để học sinh tiếp tục theo học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.

Ba là, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về công tác tuyển sinh đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo tuyển chọn được những học sinh ưu tú của các dân tộc thiểu số vào học, tuyển thẳng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người vào học theo quy định và có biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bốn là, tập trung củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội học tập cho mọi đối tượng có nhu cầu trong xã hội.

Củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ, giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo nghề tổ chức các chương trình liên kết đào tạo, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia đào tạo nghề, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.

"Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là cần thiết để đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội. Chính vì thế, việc thí sinh không đỗ tuyển sinh 10 không phải là kết thúc quá trình học của mình. Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết.

Chia sẻ về cơ hội của học sinh nếu thi trượt lớp 10 trung học phổ thông năm nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết, nếu không đỗ các trường trung học phổ thông thì cơ hội học tập của các em vẫn rất rộng mở, cụ thể, các em có thể xét tuyển vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp (hiện nay Sơn La có 12 trung tâm/12 huyện, thành phố) với chỉ tiêu linh hoạt, do đó học sinh vẫn còn nhiều cơ hội học chương trình trung học phổ thông. Học sinh có thể lựa chọn vào học nghề để lập thân, lập nghiệp.

Đặc biệt tại các trung tâm giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Sơn La hiện nay đang rất tích cực trong công tác liên kết đào tạo nghề với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, song song với dạy chương trình trung học phổ thông cho học viên.

Lại Cường

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-doc-so-gd-son-la-noi-ve-co-hoi-cua-hoc-sinh-neu-thi-truot-lop-10-cong-lap-post235962.gd