Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình về công tác giải phóng mặt bằng và các dự án chậm tiến độ

Sáng 14/7, trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa XIX, Chủ tọa điều hành đã yêu cầu làm rõ 'Vấn đề giải phóng mặt bằng tiếp tục là điểm nghẽn chưa khắc phục được' và nguyên nhân, giải pháp xử lý khi 13/19 dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ. Đồng chí Trịnh Thế Truyền – TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đại diện cho Sở giải trình về vấn đề này.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trịnh Thế Truyền giải trình về công tác giải phóng mặt bằng và các dự án chậm tiến độ

Năm 2022, được xác định là “năm giải phóng mặt bằng” của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh “Vấn đề giải phóng mặt bằng tiếp tục là điểm nghẽn chưa khắc phục được”, trong khi việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những yếu tố tiên quyết, quan trọng liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án.

Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều tiến bộ, 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện GPMB 102 dự án (đã thu hồi và giao đất với tổng diện tích 781,9ha; trong đó 21,29ha diện tích của 15 khu tái định cư tập trung thuộc các dự án trọng điểm (các KCN, đường liên vùng đi tỉnh Yên Bái, đường cao tốc Phú Thọ- Tuyên Quang,…), so với thời điểm trước, tiến độ thu hồi, bồi thường GPMB có tiến bộ, một số dự án quy mô lớn, trong thời gian ngắn đã bàn giao đất cho nhà đầu tư như: Cụm công nghiệp Vạn Xuân; Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân Golf Tam Nông – Hạng mục sân Golf Tam Nông 1; Dự án Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, Việt Trì; Dự án Khu đô thị mới Thanh Minh, thị xã Phú Thọ; Dự án đường cao tốc Phú Thọ- Tuyên Quang; Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái; Dự án cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ… Tuy nhiên, trên cơ sở kiểm tra, đánh giá tiến độ về công tác GPBM trong thời gian qua có 123 dự án chậm tiến độ do công tác GPMB. Nguyên nhân chủ yếu là: Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025 mới được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (cấp huyện thời điểm cuối năm 2021, cấp dự án trọng điểm liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 326/QĐ- TTg ngày 09/3/2022); việc triển khai một số dự án liên quan đến chuyển đổi đất lúa, đất rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (các bộ, ngành thẩm định, thời gian kéo dài).

Đối với các dự án đầu tư công- năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 nhưng thực tế là năm đầu tiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua tháng 7/2021 nên thực tế từ đầu năm đến nay chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp, trong khi đó các dự án mới vẫn đang trong quá trình chuẩn bị (quá trình này thường mất 5- 6 tháng tới cuối năm mới giải ngân được).

Tiếp đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ 13 dự án đang thực hiện hoặc chậm tiến độ, cụ thể: 3 dự án vướng mắc về thủ tục là KCN Tam Nông; KCN Hạ Hòa; Khu dịch vụ, đô thị văn hóa - thể thao và sân Golf Ao Châu. 6 dự án vướng mắc về GPMB, thu hồi giao đất và tái định cư là KCN Cẩm Khê, KCN Phú Hà, KĐT mới Đông Nam- Việt Trì, KĐT mới Thanh Minh, KĐT mới Nam Minh Phương, Tổ hợp trung tâm thương mại tổng hợp cao cấp Việt Trì. 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là Khu nhà ở sinh thái khoáng nóng tại xã Sơn Thủy và xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy; Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân Golf Tam Nông. Một dự án tạm dừng thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư là Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì. Một dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm là khu đô thị nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, sinh thái tại xã Hiền Lương, Hạ Hòa.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, trong đó phải có chỉ đạo quyết liệt về công tác GPMB (được xác định là điểm nghẽn), Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp các ngành; thực hiện triển khai đồng bộ kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền vận động hội viên trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, sửa đổi Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường về vật kiến trúc, cây cối khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, sớm ban hành trong quý III/2022 để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Kết luận nội dung này, Chủ tọa kỳ họp đề nghị các địa phương rà soát lại các dự án trên địa bàn, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp với các sở, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cố gắng thực hiện giải quyết ngay trong năm 2022. Với các dự án mới thì điều chỉnh cho phù hợp, tránh nhà đầu tư và tỉnh gặp khó khăn khi thống nhất thực hiện. Đối với dự án đầu tư công, đặc biệt là các tuyến đường liên vùng, đường Âu Cơ, đề nghị các huyện tập trung triển khai tích cực, tránh việc có nguồn mà không giải ngân được. Đối với các dự án khu công nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vào cuộc, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành và lực lượng công an nắm tình hình, làm đúng chế độ chính sách, ko để người dân trục lợi chính sách, cơi nới, xây dựng thêm công trình.

Tin liên quan:

Thủ trưởng các sở, ngành giải trình tại phiên thảo luận

Sáng nay 14/7, Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức thảo luận tại hội trường, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã trực tiếp giải trình, trao đổi các vấn đề đại biểu quan tâm.

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/giam-doc-so-ke-hoach-va-dau-tu-giai-trinh-ve-cong-tac-giai-phong-mat-bang-va-cac-du-an-cham-tien-do/185461.htm