Giám đốc Sở KH-ĐT giải thích lý do kinh tế Đà Nẵng bị chững lại

TP Đà Nẵng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế trong năm 2023 nhưng chưa hoàn thành.

Sáng 13-12, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, nhiều đại biểu đã thảo luận về dấu hiệu chững lại của nền kinh tế thành phố trong năm 2023 đồng thời đưa ra một số giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc cho hay năm 2023, kinh tế - xã hội của Đà Nẵng có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc. Trong đó, một số vướng mắc liên quan đến đất đai vẫn chưa xử lý được, đã kéo dài nhiều năm. Nhiều dự án được kỳ vọng có tác động, đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa thể triển khai.

Thị trường bất động sản thì chuyển biến chậm dù thành phố tích cực tháo gỡ. Những điều trên theo đại biểu Phúc đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của thành phố. Đại biểu này đánh giá, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư của năm 2023 còn khiêm tốn so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của thành phố.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc thảo luận về tình hình kinh tế Đà Nẵng trong năm 2023

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc thảo luận về tình hình kinh tế Đà Nẵng trong năm 2023

Đại biểu Phúc cho rằng ngoài cơ chế, thể chế thì công tác xúc tiến đầu tư của thành phố chưa hiệu quả. Đại biểu đề xuất năm 2024, thành phố cần ổn định các chính sách, ổn định xã hội trong trình hình kinh tế thế giới và khu vực đang gặp khó khăn. Quan trọng nhất là làm sao để nhà đầu tư yên tâm, tự tin khi đến Đà Nẵng. Thành phố cần có cơ chế, thông thoáng trong các chính sách, "trải thảm đỏ" cho nhà đầu tư.

Theo đại biểu này, "trải thảm đỏ" cần mang tính thiết thực và ý nghĩa. Làm sao để nhà đầu tư thấy được vị thế, không gian của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai hiệu quả các nghị quyết gắn với quy hoạch mới vừa được công bố.

TP Đà Nẵng đang cần động lực mới để tăng trưởng kinh tế

TP Đà Nẵng đang cần động lực mới để tăng trưởng kinh tế

Thành phố cũng cần tháo gỡ nút thắt về cải cách hành chính, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khơi thông vốn đầu tư.

"Ở đâu có dự án mới, dự án đầu tư mở rộng có quy mô tác động to lớn đến sự phát triển của thành phố, ở đó cần có sự đồng hành thiết thực của các cơ quan liên quan. Trong đó, là sự chỉ huy của lãnh đạo thành phố, giao nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian cụ thể giúp dự án triển khai đúng tiến độ" - đại biểu Phúc nhấn mạnh.

Phản hồi thảo luận của đại biểu, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, cho hay giai đoạn 2020-2021, kinh tế thành phố ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Năm 2022, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và sớm lấy lại thế cân bằng do chủ yếu dựa vào dịch vụ, du lịch.

Đến năm 2023 từ ảnh hưởng bởi hậu dịch COVID-19 và tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nền kinh tế thành phố bị chững lại. Cả thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế đều chững lại. Theo bà Tâm, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn nhưng chưa có kết quả. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, có thể từ năm 2024, những giải pháp đã thực hiện mới phát huy hiệu quả.

Bà Tâm cũng thừa nhận tiềm năng kinh tế của thành phố đang chững lại và đang cần động lực mới. Lãnh đạo thành phố đã xác định và tập trung xây dựng mũi nhọn mới cùng các chính sách đột phá, cơ chế để tạo động lực mới.

"Thành phố sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế đã đặt ra trong năm 2023 nhưng chưa hoàn thành. Năm 2024 buộc phải hoàn thành. Hy vọng từ đó sẽ có những sức bật mới cho nền kinh tế" - bà Tâm nói.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Con số này chỉ bằng 87,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 85,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa, không kể tiền sử dụng đất đạt hơn 16.000 tỉ đồng. Thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 1.400 tỉ đồng, bằng 70% dự toán và 53% so với cùng kỳ.

B.Vân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-doc-so-kh-dt-giai-thich-ly-do-kinh-te-da-nang-bi-chung-lai-19623121312221032.htm