Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ký thông báo 'không trung thực'

Việc xã hội hóa bằng vốn góp của cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đang phát sinh nhiều kẽ hở, đặc biệt là sự thiếu minh bạch trong các hợp đồng mượn, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện này.

Ngày 3/10/2019, bà Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ký Thông báo số 643/TB-SYT về kết quả giải quyết các nội dung phản ánh đối với việc thực hiện xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu.

Theo đó, đối với nội dung phản ánh liên quan đến việc sử dụng máy móc trang thiết bị Trung Quốc kém chất lượng thay thế trang thiết bị hiện đại. Về việc này Thông báo của Sở Y tế Sơn La lý giải như sau: Các thiết bị thực hiện xã hội hóa công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu được bệnh viện tiếp nhận sử dụng qua 2 hình thức, sử dụng máy mượn của Công ty trúng thầu hóa chất và sử dụng máy được mua từ vốn góp của cán bộ Bệnh viện.

Máy chụp cắt lớp nhãn hiệu Siemens được Giám đốc Sở y tế Sơn La xác nhận có nguồn gốc xuất xứ từ Đức. Nhưng thực chất đây là máy chụp cắt lớp nhãn hiệu Siemens có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Các máy đều được lắp đặt mới 100%. Trong đó, máy mượn có xuất xứ từ Nhật Bản, Anh, Đức, Hàn Quốc; Máy mua từ nguồn vốn góp của cán bộ bệnh viện có xuất xứ tư Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc cụ thể: Có 5 máy mượn của Công ty TNHH TM và Dịch vụ Thiên Phúc (Công ty trúng thầu hóa chất-PV) đang hoạt động tại Bệnh viện theo Hợp đồng số 20b/2019/BVMC-TP ngày 11/1/2019. Trong đó, xuất xứ từ nước Anh có 1 máy xét nghiệm sinh hóa tự động; xuất xứ từ Nhật Bản có 2 máy là máy xét nghiệm đông máu tự động và máy phân tích huyết học tự động; xuất xứ từ nước Đức có 2 máy là máy phân tích nước tiểu và máy xét nghiệm điện giải tự động.

Về trang thiết bị y tế mua sắm bằng hình thức xã hội hóa, có 6 máy. Trong đó, có 3 máy xuất xứ từ Hàn Quốc gồm; máy thiết bị Camera nội soi tai mũi họng, máy siêu âm màu; xuất xứ từ Nhật Bản có 1 máy là máy nội soi tiêu hóa; xuất xứ từ Đức có 1 máy là máy chụp cắt lớp; xuất xứ từ Trung Quốc có 1 máy là máy lưu huyết não Kỹ thuật số Doppler xuyên sọ (tất cả các máy được liệt kê trong Thông báo đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng mặc nhiên không ghi tên hãng cụ thể như Siemens, Fujifilm…..PV).

Để rộng đường dư luận và xác minh những nội dung lý giải trong thông báo số 643/TB-SYT của Sở Y tế tỉnh Sơn La, sáng 6/7, phóng viên (PV) báo Nhà báo và Công luận đã có buổi làm việc với bà Mùi Thị Trung Hậu, Chánh thanh tra Sở Y tế và bà Hoàng Thị Lan, Thanh tra viên.

Tại buổi làm việc bà Hậu cho biết: Sau khi nhận được đơn thư phản ánh, chúng tôi đã về Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu để tiến hành thanh tra, kiểm tra dựa trên hồ sơ của Bệnh viện cung cấp. Sau thanh tra chúng tôi đã có báo cáo, kết luận. Từ kết luận đó lãnh đạo Sở Y tế mới ra Thông báo số 643/TB-SYT và sau này là thông báo 634/SYT-TTr ngày 28/3/2020, về việc đính chính nội dung tại Thông báo số 643/TB-SYT ngày 3/10/2020 của Sở Y tế (nội dung đính chính này chỉ xoay quanh việc ký kết Hợp đồng mượn máy được thực hiện theo Công văn số 96/TTrB-P4 ngày 2/3/2020 của Thanh tra Bộ Y tế - PV)

Liên quan đến 6 máy được Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (mua mới 100% theo nội dung của Thông báo 643/TB- SYT ngày 3/10/2020 –PV) mua sắm bằng hình thức xã hội hóa. Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu để xác minh về tên hãng và nguồn gốc xuất xứ của các trang thiết bị nói trên. Tại đây, BSCK.II Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đã dẫn chúng tôi đi kiểm tra từng trang thiết bị cụ thể. Trong đó có 1 máy chụp cắt lớp nhãn hiệu Siemens được Sở Y tế tỉnh Sơn La xác nhận có nguồn gốc xuất xứ từ nước Đức (?)

Hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện máy chụp cắt lớp có nhãn hiệu Siemens được xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau kiểm tra về tem mác trên máy và hồ sơ đi kèm theo máy chụp cắt lớp có nhãn hiệu Siemens. Chúng tôi phát hiện, máy Siemens đang được Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu sử dụng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc (trái với xác nhận của Giám đốc Sở Y tế Sơn La xuất xứ từ Đức – PV) năm sản xuất 2017, năm sử dụng 2018, có đơn giá 6.499.000.000 VNĐ (sáu tỷ bốn trăm chín mươi chín triệu đồng chẵn), hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện đơn vị bán hàng là Công ty TNHH Thiết bị vật tư tổng hợp Quốc tế có địa chỉ tại số 495 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Xã hội hóa trang thiết bị y tế nhằm chia sẻ gánh nặng cho hệ thống y tế nước nhà. Nhờ đó, chúng ta có thêm rất nhiều máy móc hiện đại phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, việc mua sắm bằng hình thức xã hội hóa cũng cần có những quy định chặt chẽ. Nếu không, rất dễ tạo ra kẽ hở để “nhóm lợi ích” bắt tay độc quyền để trục lợi, và điều này rất có thể đang và đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu?

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-doc-so-y-te-tinh-son-la-ky-thong-bao-khong-trung-thuc-post100042.html