Giám đốc thủy điện Hòa Bình: Cả đời làm nghề chưa từng chứng kiến thủy điện hết nước thế này
Theo ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, nếu nguồn nước về hệ thống sông Đà không được cải thiện trong những ngày tới, rất khó có thể xác định chuyện gì sẽ xảy ra với hệ thống điện, chỉ có Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới trả lời chính xác được. Hiện nước trong hồ thủy điện chỉ còn đủ chạy khoảng 12 ngày chạy hết công suất và sau đó phải dừng máy.
Ngày 13/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Vương cho biết hiện thủy điện Hòa Bình là bậc thang cuối cùng trên hệ thống sông Đà với công suất 1.920 MW và là thủy điện lớn cuối cùng ở khu vực miền Bắc vẫn còn hoạt động.
Theo ông Vương, là thủy điện Hòa Bình giữ vai trò điều tần quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Ngoài cung cấp điện thường xuyên cho miền Bắc, thủy điện Hòa Bình còn phải gánh trách nhiệm điều áp hệ thống, giữ chất lượng hệ thống điện và đảm bảo nước cho hạ du, đặc biệt là cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà.
Giám đốc thủy điện Hòa Bình cũng cho biết, năm 2023 là năm có thời tiết rất bất lợi. Năm 2022, lượng điện sản xuất của nhà máy tương đối thấp nhưng năm nay còn thấp hơn. Đã qua 6 tháng đầu năm nhưng sản lượng phát của nhà máy chỉ đạt 3,5 tỷ kWh, bằng 37% kế hoạch năm. Với tình hình thủy văn hiện nay, việc đảm bảo kế hoạch sản lượng điện năm dự báo rất khó khăn nếu nhìn vào kế hoạch cả năm 9,832 tỷ kWh được tập đoàn giao.
“Thủy điện Hòa Bình đã từng xuống mực nước chết, nhưng các nhà máy ở miền Bắc đồng loạt xuống mực nước chết như vậy thì tôi chưa bao giờ được chứng kiến”, ông Vương nói.
Theo ông Vương, từ tháng 5 đến nay, với tình hình khô hạn, nước về hồ rất thấp, các thủy điện trên hệ thống sông Đà đang đối mặt quá nhiều khó khăn. Giờ mỗi tổ máy 240 MW của thủy điện Hòa Bình đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế.
Trong thời gian qua, do phải đảm bảo cấp điện, mực nước trong hồ xuống rất nhanh và đang xuống gần mực nước chết. Tính đến sáng 13/6, nước trong hồ thủy điện đã xuống mức 102 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 3 m và cao hơn mực nước chết 22 m. Lượng nước về hồ thấp nên có thời điểm nhà máy hầu như không chạy để giữ nước. Với lượng nước còn lại trong hồ, nếu cần khai thác, mực nước sẽ giảm rất nhanh, có thể giảm 1 m/ngày.
“Thủy điện phải đảm bảo công suất phát để khi hệ thống cần điều chỉnh thì nhà máy sẽ vận hành. Do phải dự trữ nguồn sản lượng cho các ngày tiếp theo của tháng 6 nên tình hình dự báo rất khó khăn trong bối cảnh lượng nước về hồ chỉ xấp xỉ 40 m3/s, coi như không có nước về. Chúng tôi không trông chờ gì vào sẽ được bổ sung nước trong thời gian tới”, đại diện nhà máy thủy điện Hòa Bình cho hay.
Vấn đề khó nhất với những người vận hành thủy điện chính là không thể khai thác cấp tập, không thể vận hành tối đa công suất của nhà máy. Ước tính nếu vận hành tối đa các tổ máy với công suất phát tối đa 46-47 triệu kWh/ngày, thủy điện Hòa Bình sẽ chỉ còn hoạt động được trong vòng 12 ngày thì sẽ về mực nước chết và không thể vận hành sau đó. Trong bối cảnh các hồ thủy điện khác trên toàn quốc, đặc biệt ở miền Bắc đã về mực nước chết nên lúc này sức ép với thủy điện Hòa Bình rất lớn.
Ông Đỗ Quang Bính - Trưởng ca vận hành, nhà máy thủy điện Hòa Bình - cho biết, do tình hình chung của cả nước điện năng đang thiếu nên việc vận hành các nhà máy, nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn căng thẳng. Do thiếu điện nên số lệnh của điều độ so với thời kỳ bình thường tăng lên rất nhiều. Bình thường một ca trực thì khoảng 5-10 cuộc gọi từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhưng những ngày này, số cuộc gọi điều hành tăng gấp 6 - 8 lần, bình quân trên 30 cuộc.