Giảm ICOR để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Chỉ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio) là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, phản ánh mức độ đầu tư cần thiết để tạo ra một đơn vị tăng trưởng. Tuy nhiên, ICOR của Việt Nam hiện vẫn cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với chính sách kinh tế và quản lý đầu tư công.Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giảm mức ICOR về 3-4 để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: TL

Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội - để tìm hiểu sâu về nguyên nhân, giải pháp và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc giảm chỉ số ICOR, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Thưa ông, chỉ số ICOR của Việt Nam hiện đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, ông có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân dẫn đến ICOR của Việt Nam cao như vậy?

ICOR của Việt Nam hiện khoảng 6,5, tức 6,5 đồng vốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận, trong khi đó, ở các nước tiên tiến 4 đồng vốn bỏ ra, họ thu được 1 đồng lợi nhuận. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam còn chưa tối ưu. Trước đây, nước ta từng đưa ICOR xuống quanh mức 5, nhưng từ đại dịch Covid-19, chỉ số này tăng lên do nhiều người lao động về quê, không tham gia sản xuất khiến chi phí nhân lực tăng lên cũng là một trong những yếu tố làm cho chỉ số ICOR tăng lên.

Thời gian qua, KTNN đã kiểm toán hiệu quả các dự án đầu tư công, giúp Chính phủ nhận diện sớm những rủi ro trong quản lý vốn. Ảnh: TL

Thời gian qua, KTNN đã kiểm toán hiệu quả các dự án đầu tư công, giúp Chính phủ nhận diện sớm những rủi ro trong quản lý vốn. Ảnh: TL

Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09% nhưng chủ yếu nhờ đầu tư công và FDI, trong khi khối nội đóng góp khiêm tốn. 2 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại vẫn xuất siêu nhưng chủ yếu thuộc về doanh nghiệp (DN) FDI - xuất siêu hơn 6 tỷ USD, còn khối DN nội lại nhập siêu hơn 4 tỷ USD. Hơn nữa, nước ta vẫn tập trung đầu tư vào hạ tầng, mang lại hiệu quả gián tiếp, không tác động trực tiếp đến sản xuất, cũng làm tăng ICOR. Trong khi đó, việc quản lý đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ, đội vốn lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến ICOR của nền kinh tế.

Phải nói thêm rằng, ICOR là một thước đo tổng hợp, đánh giá các yếu tố như môi trường kinh doanh, hệ thống pháp lý và chất lượng nguồn nhân lực... Đây cũng là một chỉ số chung, phản ánh sự phối hợp giữa điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước và quản trị DN, kinh tế vi mô của DN. Vì vậy, không thể xem ICOR chỉ đơn thuần là kết quả của công tác quản lý Nhà nước, mà nó là một trong những chỉ số để đo lường và đánh giá hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Do đó, Nhà nước có trách nhiệm và DN cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong việc giảm ICOR, thậm chí cả các cơ quan tưởng như không liên quan gì đến việc giảm chỉ số ICOR như KTNN.

KTNN có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình thông qua việc KTNN tập trung kiểm toán chuyên sâu các dự án đầu tư công, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và phát hiện sớm các vấn đề bất cập như chi phí phát sinh, chậm tiến độ hay sử dụng công nghệ lạc hậu. KTNN cũng nên khuyến nghị cụ thể để DN tối ưu hóa quá trình quản lý đầu tư; khuyến nghị nhà nước sớm ban hành chính sách ưu đãi thuế và tín dụng đối với việc đầu tư công nghệ cao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giám sát và kiểm tra hiệu quả thực hiện các giải pháp cải thiện ICOR...

Theo ông, chỉ số ICOR cao ảnh hưởng thế nào đến khả năng huy động vốn của Việt Nam?

Trước hết, ICOR cao tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn của nền kinh tế. Khi hiệu quả sử dụng vốn thấp làm ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng vay vốn quốc tế với lãi suất ưu đãi. ICOR cao, nhà đầu tư sẽ cân nhắc lựa chọn quốc gia có ICOR hấp dẫn hơn để đầu tư.

Thứ hai, ICOR cao đồng nghĩa với việc cần nhiều vốn đầu tư hơn để đạt được tăng trưởng kinh tế mong muốn, tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước và nợ công.

Thứ ba, chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Để đáp ứng yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về giảm ICOR xuống mức 3-4, theo ông, những giải pháp nào cần ưu tiên thực hiện?

Như trên đã nói, DN cũng có trách nhiệm quan trọng trong việc giảm chỉ số ICOR bằng cách tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Trong ngành dệt lụa và in lụa chẳng hạn, nếu vẫn sử dụng máy móc cũ và in thủ công thì năng suất thấp, sản phẩm không đồng nhất, làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, DN cần đầu tư vào công nghệ hiện đại như máy dệt tự động và in laser CNC, giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi và nâng cao giá trị sản phẩm. Ngược lại, nếu dùng công nghệ cũ, chi phí tăng, giá bán giảm, kéo hiệu quả đầu tư xuống. Nhiều DN như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, để giảm ICOR, DN cần đầu tư công nghệ hợp lý, nhưng vấn đề là họ phải có đủ vốn đầu tư. Lúc này, cần có sự vào cuộc của Nhà nước.

Hiện đã có Luật Công nghệ cao, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng ngành. Vì thế, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để khuyến khích DN đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Cùng với đó, cần thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, tạo động lực cho DN đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý đầu tư công theo hướng hiệu quả hơn, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, gắn liền với phát triển hạ tầng hiện đại và bền vững; cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách dịch vụ logistics và nâng cấp hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, việc đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đã góp phần giảm chi phí logistics, chẳng hạn, một container hàng hóa được vận chuyển từ khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài ra cảng Hải Phòng đã giảm từ 5-7 tiếng xuống còn 2,5 tiếng, qua đó giảm được chi phí nhiên liệu, hao mòn, chi phí lưu kho... Đó là những tác động gián tiếp hỗ trợ cho ICOR giảm xuống. Nói cách khác, từng “động tác” nhỏ như thế cộng lại cũng làm cho ICOR của nước ta giảm xuống...

Đặc biệt, nước ta đang khẩn trương thực hiện rất nhiều giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy; tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế; tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào công nghệ cao, gia tăng giá trị sản xuất... đây sẽ là những yếu tố tác động góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Tôi cũng mong muốn KTNN tiếp tục chủ động hơn trong việc giám sát, kiểm toán hiệu quả các dự án đầu tư công, giúp Chính phủ nhận diện sớm những rủi ro trong quản lý vốn, từ đó kịp thời điều chỉnh chính sách, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần giảm ICOR và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giam-icor-de-nang-cao-hieu-qua-su-dung-von-39218.html