Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển là 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi trả lời về các giải pháp bảo tồn không gian biển và nguồn lợi thủy sản tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/6/2024.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững ngành thủy sản, yêu cầu các đại biểu Quốc hội hỗ trợ nguồn lực và tổ chức bộ máy quản lý để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế có quy mô lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có khả năng cạnh tranh cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, để đạt được điều này cần tập trung vào 3 trụ cột chính là: giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng và bảo tồn biển. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định về quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phân ra không gian bảo tồn và phân ra không gian để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các chiến lược và quyết định này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm và hỗ trợ thêm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguồn lực và định chế tổ chức bộ máy.

Ông nêu rõ, việc có một khu bảo tồn biển thì cần phải có bộ máy quản lý riêng biệt. Hiện tại, với mục tiêu tinh giản các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết 18, 19, tổ chức bộ máy chi cục thủy sản ở địa phương và cấp huyện không đủ nhân lực để bảo tồn không gian biển. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để đảm bảo nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cần thiết.

Lấy ví dụ tại Hòn Yến, Phú Yên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá đây là một trong những mô hình tương đối thành công. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn những mô hình này sẽ trở thành một xung lực mới cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Bao nhiêu luật lệ, bao nhiêu hướng dẫn hay bao nhiêu thông thư thậm chí quy định từng kích thước mắt lưới cũng không thể thành công, nếu không có bà con ngư dân. Bà con ngư dân cần xem đây là câu chuyện của mình, trong làng trong xóm, trong cộng đồng khi liên quan đến bảo tồn biển. Hơn nữa, hoạt động bảo tồn do con người tạo ra và duy trì, nếu không tạo ra được sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn sẽ không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Có thể thấy, để bảo tồn nguồn lợi thủy sản thành công, cần chú trọng tới việc tạo ra sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực bảo tồn. Chỉ khi người dân thấy được lợi ích thiết thực và giá trị của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, họ mới thực sự tham gia và hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn.

Nhắc tới câu chuyện giữ rừng, giữ biển ở Cù lao Chàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là một trong những khu bảo tồn biển và trở thành một biểu tượng thành công nhất trong hoạt động quản lý biển ở Quảng Nam. Đây có thể là gợi ý cho các địa phương để có cách tiếp cận khác ngoài nguồn lực nhà nước, đó là tiếp cận nguồn lực từ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-khai-thac-tang-nuoi-trong-va-bao-ton-bien-la-3-tru-cot-phat-trien-kinh-te-thuy-san-viet-nam-d216800.html