Giảm khí thải CO2 là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên
Theo nghiên cứu, nếu chỉ theo đuổi các nỗ lực giảm khí thải CO2 thông qua giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch thì đến năm 2045, Trái Đất vẫn sẽ ấm thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 23/5, để chống biến đổi khí hậu, thế giới không chỉ phải giảm lượng khí thải CO2 mà còn cần hạn chế các chất gây ô nhiễm ít được biết đến hơn, chẳng hạn như nitrous oxide (N2O) vốn là một tác nhân quan trọng khiến Trái Đất ấm lên.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các cuộc thảo luận khí hậu toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua thường tập trung vào vấn đề phát thải CO2. Mục tiêu chung phát thải ròng bằng 0 thường chỉ đề cập cắt giảm CO2.
Trong năm qua, hơn 100 quốc gia đã cam kết đến năm 2030 giảm 30% phát thải khí metan.
Đây là một loại khí nhà kính khác có khả năng giữ nhiệt mạnh hơn nhiều so với CO2. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia trong số này vẫn chưa công bố cách thức họ sẽ thực hiện để có thể đạt mục tiêu vào thời hạn trên.
Trong khi đó, những chất khác khiến Trái Đất ấm lên ít được chú ý, trong đó có carbon đen (còn được gọi là muội than - chất hấp thụ bức xạ nhiệt), cũng như hợp chất hydrofluorocarbon có trong chất làm lạnh và N2O.
Các chất này cùng với metan là những tác nhân gây ra khoảng 50% tình trạng ấm lên toàn cầu ngày nay.
Đồng tác giả nghiên cứu, Durwood Zaelke, Chủ tịch Viện Quản trị và Phát triển bền vững tại Washington DC (Mỹ), nhấn mạnh nếu lo lắng cho tương lai gần, con người cần phải xem xét các yếu tố khác gây biến đổi khí hậu, ngoài CO2.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia theo đuổi mục tiêu giảm khí thải CO2 thông qua giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch - nguồn nhiên liệu hiện vẫn bị xem là tác nhân chính gây tình trạng ấm lên toàn cầu.
Việc sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn sẽ dẫn tới giảm các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có các hạt sunfat là thành phần trên thực tế phần nào chống biến đổi khí hậu bằng cách phản xạ bức xạ Mặt Trời ra khỏi Trái Đất.
Các nhà khoa học cho biết nếu không có những hạt sunfat này bề mặt Trái Đất sẽ ấm lên khoảng 0,5 độ C.
Điều này đồng nghĩa nếu không xử lý tốt các chất thải khác ngoài CO2, thì những hành động tích cực vì khí hậu có thể khiến nhiệt độ tạm thời tăng cao hơn.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng nếu chỉ theo đuổi các nỗ lực phi carbon thì đến năm 2045, hành tinh của chúng ta vẫn sẽ ấm thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trái lại, nếu cùng lúc hạn chế tất cả các chất gây hại cho khí hậu thì thế giới có thể bắt đầu sớm tránh được phần nào hiện tượng ấm lên vào năm 2030 và sẽ giảm được khoảng 50% mức tăng nhiệt trong giai đoạn 2030-2050.
Nhà khoa học khí hậu Euan Nisbet tại Đại học Royal Holloway (London) nhấn mạnh nghiên cứu mang tính bước ngoặt này sẽ khiến thế giới phải suy nghĩ thấu đáo hơn về các mục tiêu toàn cầu, trong đó có việc phải cắt giảm các chất thải không phải CO2./.