Giảm khối lượng công việc, rút ngắn tiến độ dự án giao thông với mô hình EC

Theo các chuyên gia, mô hình tổng thầu EC sẽ giúp tối ưu công việc liên quan đến lựa chọn nhà thầu, thiết kế, rút ngắn tiến độ thi công dự án...

Một loạt các dự án lớn và đặc biệt là đại công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 mang đến khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong vòng 5 năm tới.

Áp dụng mô hình nào để đảm bảo hiệu quả đầu tư là vấn đề cần được cơ quan chức năng nghiên cứu, lựa chọn phù hợp.

Hợp đồng EC được đánh giá là mô hình khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn - Ảnh minh họa

Hợp đồng EC được đánh giá là mô hình khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, hiện nay, chúng ta có nhiều hình thức tổng thầu xây dựng. Trong đó, mô hình EC có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vận dụng kinh nghiệm quản trị điều hành dự án nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình và kiểm soát được chất lượng thi công xây dựng.

Mô hình tổng thầu EC cũng giúp cho dự án không bị “xé nhỏ” gói thầu, khi được thực hiện bài bản sẽ xác lập trách nhiệm rõ ràng. Tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, có trách nhiệm chọn lựa các nhà thầu phụ đặc biệt đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện các công việc phức tạp.

TS. Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng cho rằng, mô hình EC sẽ giúp giảm khối lượng công việc lựa chọn nhà thầu, các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng khảo sát phục vụ công tác thiết kế, thẩm tra, thẩm định thiết kế và dự toán, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện dự án so với phương thức truyền thống.

"Việc áp dụng hợp đồng EC cũng khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả KT-XH”, TS. Khánh chia sẻ.

Thực tế, trải qua nhiều dự án giao thông lớn được triển khai tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông trong nước đã có điều kiện để trưởng thành về cả năng lực thi công, khả năng quản trị điều hành dự án, thiết kế công trình.

Bàn về giải pháp để mô hình EC được áp dụng rộng rãi trong xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có những quy định rõ về tình huống tham gia đấu thầu, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia.

“Luật và các văn bản dưới luật về EC mới chỉ ở mức độ dẫn hướng mang tính chất khai mở, chưa đủ chi tiết trong thực tiễn và kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh, đặc biệt là khi đưa vào triển khai các dự án lớn và phức tạp.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý để việc triển khai mô hình quản lý dự án giao thông được thuận lợi, hiệu quả.

Trong đó, phải có chế tài cụ thể, thưởng xứng đáng nhà thầu làm tốt, phạt đủ mạnh với nhà thầu không hoàn thành khối lượng công việc được giao; Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể với cơ quan chỉ định thầu”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đề nghị, trường hợp mô hình tổng thầu EC được áp dụng vào thực tiễn, khâu lựa chọn tổng thầu cần được đánh giá khách quan để chọn được đơn vị hội tụ được năng lực toàn diện đáp ứng khả năng thiết kế, giàu kinh nghiệm trong thi công, tiềm lực tài chính đủ mạnh và giàu khát vọng cống hiến để đảm bảo tiến độ triển khai, hiệu quả đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Trà My

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giam-khoi-luong-cong-viec-rut-ngan-tien-do-du-an-giao-thong-voi-mo-hinh-ec-d585645.html