Giảm lãi suất cả nền kinh tế được hưởng lợi
Ngay sau khi NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên kỳ hạn ngắn, các ngân hàng lớn nhỏ nhập cuộc giảm lãi suất hỗ trợ DN.
DN tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất kinh doanh
Sau Vietcombank, BIDV, Agribank tiên phong giảm lãi suất cho vay, một số ngân hàng cỡ vừa và nhỏ cũng đã nhập cuộc như MSB giảm 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN và chủ hộ kinh doanh; Nam A Bank áp dụng lãi vay từ 6,5%/năm với các khoản vay dài hạn 36 - 120 tháng.
Một số ngân hàng khác lại hỗ trợ bằng gói tín dụng ưu đãi như VietBank dành 500 tỷ đồng cho DN lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ với lãi vay 7%/năm. ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho DNNVV với lãi vay cố định 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm…
Theo tính toán của giới chuyên môn, trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế năm 2019 khoảng 8 triệu tỷ đồng, khoảng một nửa thuộc về NHTM Nhà nước. Bên cạnh đó, trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng này có tới 40 - 50% dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay các NHTM Nhà nước giảm lãi suất từ 1 - 1,5%/năm, giảm hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ DN. Nếu cộng cả phần chia sẻ giảm lãi suất của các NHTMCP, ước tính các DN sẽ tiết kiệm chi phí khá lớn.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một DN chế biến thực phẩm tại Hà Nội cho hay, đầu năm nay DN này vay 10 tỷ đồng để mua nguyên liệu và đầu tư thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh. Với khoản vay này, chỉ cần ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất thì mỗi năm DN đã tiết kiệm được gần 60 triệu đồng tiền lãi vay. Như vậy, với động thái giảm lãi suất chắc chắn sẽ giúp các DN có thêm niềm tin và động lực để vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tổng giám đốc một công ty chuyên về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trung bình mỗi năm, công ty này phải vay ngân hàng khoảng hơn 500 tỷ đồng vốn ngắn hạn phục vụ cho việc thu mua lúa gạo tạm trữ trong năm hoặc đầu tư mở rộng kho chứa lúa… Do vậy, việc ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay giúp cho DN tiết kiệm khoản chi phí tài chính đáng kể để bổ sung vào nguồn vốn tái đầu tư phát triển. Nhất là đối với các DN trong ngành chế biến xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ thì quyết định này có ý nghĩa rất lớn.
Có thể thấy, việc hạ lãi suất của NHNN và các NHTM giúp nền kinh tế sẽ tiết kiệm được lượng lớn chi phí vốn do tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế vì tỷ lệ tín dụng/GDP đầu năm 2019 vẫn ở mức khoảng 130%.
“Động thái hạ trần lãi suất vừa qua là cú hích cho nền kinh tế trong thời gian tới. Mức giảm 0,5%/năm là khá lớn trong một đợt cắt lãi suất. Không dừng lại là con số mà lần giảm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm khi cầu giải ngân tín dụng cho kinh doanh dịp lễ tết luôn ở mức cao. Năm nay, DN sẽ không rơi vào tình trạng khát vốn”, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận xét.
Cả nền kinh tế hưởng lợi
Không chỉ các DN được hưởng lợi, quyết định trên tác động tích cực đến nhiều thị trường. Chẳng hạn như thị trường chứng khoán, theo thống kê 8 lần hạ trần lãi suất gần đây, sau mỗi lần NHNN hạ trần lãi suất huy động, thị trường chứng khoán lại tăng ít nhất là gần 2%.
Chưa hết, việc giảm lãi suất tiền đồng gián tiếp can thiệp để tiền đồng không lên giá quá mạnh trong bối cảnh dòng vốn ngoại cả trực tiếp và gián tiếp đều đang tăng cường vào Việt Nam. Khi tỷ giá ổn định, dòng vốn đầu tư ngoại có thể chảy vào nhiều hơn... Minh chứng là trong phiên giao dịch ngày 25/11, giao dịch khối ngoại là điểm sáng trong phiên khi họ trở lại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 64 tỷ đồng.
Theo giới chuyên môn, việc giảm lãi suất thể hiện sự hưởng ứng mạnh mẽ của ngành Ngân hàng đối với chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế chống lại các cú sốc từ bên ngoài.
Tuy nhiên nếu so với quá trình giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể nhận thấy quyết định của NHNN đưa ra vào thời điểm này là khá cẩn trọng, khi các điều kiện đã chín muồi. Ví như, Việt Nam năm nay dự báo lạm phát thấp, xung quanh mức 3%, thanh khoản ngân hàng dồi dào…
Do đó việc giảm lãi suất lần này không quá áp lực đối với lạm phát kể cả dịp cuối năm. Hơn nữa, việc điều chỉnh giảm lãi suất ngắn hạn lần này, cũng tạo cơ hội để các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn khi nó khuyến khích người gửi tiền lựa chọn các kỳ hạn gửi dài hơn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, những tác động từ việc điều chỉnh lãi suất của NHNN lên nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ có độ trễ nhất định. Và phải sang năm 2020, tác động của đợt giảm lãi suất này đến thị trường mới thể hiện rõ điều đó.
Trong khi theo TS. Võ Trí Thành, để nhân lên hiệu quả của động thái cắt giảm lãi suất này, các ngân hàng cần nghiên cứu để cho DN vay tín chấp nhiều hơn. Nhưng muốn được như vậy, các DN cần phải minh bạch báo cáo tài chính, có phương án kinh doanh khả thi… Vì hiện tại ngân hàng đang hướng đến áp dụng các quy định theo thông lệ quốc tế nên các điều kiện rất khắt khe.
“Các DN cần xác định ngay từ đầu, và nên tạo thành một thói quen từ khi có ý định vay vốn ngân hàng”, chuyên gia này khuyến nghị và cũng cảnh báo, NHNN cần kiểm soát tốt để đảm bảo dòng tiền rẻ sẽ chạy vào sản xuất, không vào những lĩnh vực có độ rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giam-lai-suat-ca-nen-kinh-te-duoc-huong-loi-95230.html