Giảm lãi suất: Mới có 2 ngân hàng giảm thật, nhiều nhà băng khác đã giảm thế nào?
Tín hiệu giảm lãi suất huy động đã thực sự rõ ràng hay chưa, cần có thêm thời gian để khẳng định. Hiện tại, xu hướng tăng lãi suất vẫn đang áp đảo.
Đằng sau việc ngân hàng giảm lãi suất huy động
6 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 12, gồm LPBank, VIB, IVB, ABBank, Kienlongbank và Bac A Bank.
Tuy nhiên, chỉ hai trong số ngân hàng trên - LPBank và Kienlongbank - là thực sự giảm lãi suất; số còn lại hoặc chỉ giảm ở kỳ hạn ngắn, hoặc đã tăng lên rất cao rồi mới có động thái giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước ngày 27/11 có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý,...
Nhìn vào trường hợp của Liên doanh Indovina Bank (IVB), ngày 1/12, nhà băng này bất ngờ tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Trong đó, lãi suất huy động lên đến 6,5%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, mức cao nhất theo niêm yết công khai.
Một tuần sau, IVB giảm lãi suất kỳ hạn 13-18 tháng từ 6,3%/năm xuống 6,05%/năm, kỳ hạn 24 tháng trở lên từ 6,5%/năm xuống 6,2%/năm.
Với cách thức trên, dù đã giảm nhưng IVB vẫn là một trong những ngân hàng duy trì lãi suất niêm yết cao dẫn đầu thị trường, cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sau 3 lần tăng liên tiếp trong tháng 11, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này lên đến 6,3%/năm với kỳ hạn 24 tháng, 6,2%/năm với kỳ hạn 15-18 tháng.
Đầu tháng 12, ABBank dù giảm mạnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này xuống mức cao nhất chỉ còn 5,7%/năm, nhưng lại tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 12 tháng. Chưa dừng lại, ABBank vừa tăng tiếp lãi suất huy động một loạt kỳ hạn từ 3-12 tháng với mức tăng từ 0,2-0,25%/năm, trở thành ngân hàng đầu tiên có hai lần tăng lãi suất trong tháng 12.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) có giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-36 tháng nhưng trong tháng 10, nhà băng này đã hai lần tăng lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 1-36 tháng.
Có thời điểm, lãi suất huy động cao nhất tại Bac A Bank lên đến 6,15%/năm với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 18-36 tháng, tới 6,35%/năm cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên.
Đến nay, dù đã giảm nhưng lãi suất cao nhất tại Bac A Bank vẫn là 5,95%/năm nếu khách gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, 6,15%/năm khi gửi 1 tỷ đồng trở lên - mức lãi suất thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Với ngân hàng còn lại là Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) mới đây đã giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu tháng 11 của LPBank, xen giữa là một lần tăng lãi suất, nhưng nhìn chung mức giảm vẫn lớn hơn so với tăng.
Còn KienlongBank vừa giảm mạnh từ 0,4-0,6%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-60 tháng - mức giảm đáng kể nhất sau khi ngân hàng này tăng 0,2%/năm kỳ hạn 1-6 tháng vào cuối tháng trước. Đây cũng là ngân hàng hiếm hoi ít có biến động về lãi suất nhất khi không thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong 3 tháng, từ tháng 8 đến 10/2024.
Áp lực lãi suất cho vay tăng trở lại?
Dù vậy, tín hiệu giảm lãi suất ngân hàng đã rõ ràng hơn khi có 6 ngân hàng giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 12.
Ngược lại, 8 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong thời gian này, bao gồm: Dong A Bank, VPBank, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB.
Trao đổi với VietNamNet, T.S Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian qua chắc chắn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo.
“Việc này ảnh hưởng đến lãi suất cho vay bởi sẽ làm tăng chi phí đầu vào. Mỗi khi ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi có nghĩa là thanh khoản của họ có vấn đề”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nhận định, có thể một số ngân hàng đang có đầu ra nên cần huy động một lượng tiền lớn, dẫn đến phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có nhà băng nợ xấu rất lớn, cần phải có một nguồn lực đủ lớn để bù đắp.
“Dù trường hợp nào cũng sẽ dẫn đến lãi suất cho vay phải tăng”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, về nguyên tắc, lãi suất chịu rất nhiều áp lực; nhiều yếu tố có thể tác động lên lãi suất. Ông lấy ví dụ về khả năng nới lỏng tiền tệ ở các nước phát triển, nhất là khi tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump muốn đồng USD có được vị thế nên giá trị đồng bạc xanh sẽ tăng.
TS. Võ Trí Thành nhận xét, lãi suất huy động cũng như cho vay trước mắt sẽ tăng “một chút” theo chu kỳ kinh doanh, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng thanh khoản chưa tốt, cộng với việc đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay về lâu dài lãi suất sẽ giảm.
“Dự báo lãi suất sẽ giảm nhưng tốc độ giảm sẽ không được như mong đợi. Kinh tế thế giới năm tới dự báo còn khó khăn; các quốc gia là đối tác kinh tế của Việt Nam cũng không ngoại lệ, do đó họ cũng phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để cân bằng được các mục tiêu như tỷ giá, lạm phát,... ”, ông nêu vấn đề.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh quan điểm, các ngân hàng trước mắt sẽ phải “kìm chân” lãi suất, cả huy động và cho vay. Thực tế lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong năm 2024, đó là sự cố gắng lớn của các ngân hàng cần được ghi nhận.
Hiện nay, lãi suất cho vay bắt buộc phải giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên như nông - lâm - thủy sản, công nghệ cao,... đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi như cho vay các dự án nhà ở xã hội, cho lĩnh vực xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, hay gói tín dụng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
“Đó là những lĩnh vực mà ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, trong khi với các lĩnh vực khác khó có thể ưu đãi lãi suất khi bản thân họ cũng phải tăng lãi suất huy động mới có thể hút vốn. Không thể cứ giữ mãi lãi suất ở mức thấp, nhưng giữ được đến khi nào thì chúng ta cố gắng giữ”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.