Giảm lãi suất ngân hàng: Người dân, doanh nghiệp bớt khó
Từ 19/6, lãi suất huy động, cho vay tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm từ 0,25-0,5%/năm nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là lần thứ 4 trong năm 2023 lãi suất được điều chỉnh giảm khiến người dân, doanh nghiệp như được trút bớt gánh nặng trong bối cảnh giá điện tăng, giá thành đầu ra một số nhóm, ngành hàng sụt giảm, tiêu thụ chậm...
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm...Đây là lần thứ 4 liên tiếp tính từ tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giảm các loại lãi suất điều hành. Trước đó, vào tháng 3, 4, 5 đều có 1 lần giảm lãi suất mỗi tháng và đến tháng 6 tiếp tục giảm từ ngày 19/6.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thực hiện chỉ đạo về việc điều chỉnh giảm lãi suất, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thống nhất nghiêm túc thực hiện các quy định về lãi suất, không huy động lãi suất cao, tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng thương mại công bố các chương trình giảm lãi suất, hoặc các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm để giúp các doanh nghiệp, cá nhân giảm được chi phí giá vốn và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.
Là khách hàng thường xuyên của Agribank chi nhánh Tam Dương, anh Ng. H. B, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương cho biết: “Hiện nay, tôi đang vay 600 triệu đồng ở Agribank chi nhánh Tam Dương và thấy rất phấn khởi khi lãi suất tiếp tục được điều chỉnh, giảm từ 0,25-0,5%/năm trong tháng 6/2023. Lãi suất giảm giúp tôi tự tin hơn khi sử dụng đồng vốn, mặt khác, việc thu xếp các khoản tiền trả lãi suất ngân hàng cũng bớt căng thẳng hơn trước”.
Theo anh B, trước đây, lãi suất cho vay được ngân hàng duy trì ở mức hơn 11%/năm, nay giảm xuống còn 10,5/năm. Vốn vay của ngân hàng được gia đình anh B đầu tư vào chăn nuôi, quy mô từ 2.000-3.000 gà thịt, 40-50 lợn thương phẩm và bò. Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn cơ bản ổn định, nhưng giá gà thương phẩm giảm, nên chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi phí đầu tư phát sinh do phải mua máy phát điện, nhiên liệu chạy máy do điện bị cắt luân phiên nên việc giảm lãi suất khiến người chăn nuôi giảm bớt mối lo.
Tương tự, là chủ 1 doanh nghiệp xây dựng và chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện nay, dư nợ tại ngân hàng của ông N. Q. Đ ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương khoảng 10 tỷ đồng. Theo ông Đ, với mức vay lớn, việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất sẽ có sự tác động, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, lãi suất đang được áp dụng ở mức hơn 9%/năm, sau nhiều lần điều chỉnh giảm còn hơn 7% sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/tháng.
Hiện nay, trang trại của gia đình ông Đ duy trì chăn nuôi gà đẻ và lợn với số lượng lớn, khoảng 1,5 nghìn lợn và 4,5 vạn gà. Năm nay, giá lợn so với giá gà ổn định hơn nên từ nay đến cuối năm 2023, ông Đ có kế hoạch tăng quy mô đàn lợn, giảm đàn gà. Do đó, việc lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm khiến ông Đ tự tin hơn khi đầu tư vốn để phát triển đàn lợn trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể so với cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 5-5,5%/năm đối với ngắn hạn; 8-9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 8,7-9,2%/năm đối với ngắn hạn, 10,8-11,2%/năm đối với trung và dài hạn…
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hạn mức tăng trưởng, cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023 an toàn, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng.
Tích cực triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và nông thôn mới; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Kết quả, tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6/2023 đạt hơn 120.000 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 86.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cuối năm 2022, chiếm hơn 71% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 34.500 tỷ đồng, tăng hơn 5%, chiếm gần 30% tổng dư nợ, chiếm hơn 70% tổng dư nợ.
Bài, ảnh: Hà Trần