Giảm lãi suất vay trong dịch bệnh: Xin mới cho?
Giảm lãi suất vay trong dịch bện
Kiệt quệ…
Anh T.A.T, giám đốc 1 Công ty TNHH Dịch vụ du lịch lữ hành Quốc Tế ở Xuân An, TP. Phan Thiết vay của ngân hàng V. gần 4 tỷ đồng mấy năm nay. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư mua xe để vận tải hành khách và khách du lịch, doanh thu trước mùa dịch có lúc đạt 1 tỷ đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí như lãi ngân hàng, hao mòn xe, lương tài xế, phụ xe… anh còn lãi ròng từ 100 – 150 triệu đồng. Thế nhưng từ tháng 4/2020, tình hình hoạt động du lịch, vận tải hành khách bị ngưng trệ nên dàn xe 11 chiếc của anh “đứng bánh” không có thu nhập, trong khi các khoản phải chi trả cho lương, bảo hiểm… hợp đồng với tài xế và cả tiền trả ngân hàng thì vẫn phải trả đều đặn. Đến tháng 6/2021, anh không thể chịu được nữa vì nguồn tích lũy nhiều năm đã chi trả hết. Lúc này, ngân hàng có giảm lãi suất cho khoản vay của anh với mức 0,5%/tháng, trong đó có 1,5 tỷ đồng vay ngắn hạn không được giảm lãi suất nhưng anh cũng không kham nổi. Anh rao bán xe với giá rẻ hơn giá thị trường, trước đây có người trả 2,1 tỷ đồng/chiếc, giờ bán 1,7 tỷ đồng để có tiền trả lãi ngân hàng nhưng cũng không có ai “đá động” tới. Mới đây, ngân hàng nhắn tin yêu cầu trả lãi, anh trình bày hoàn cảnh của mình rồi đề xuất xin miễn, giảm lãi và cho thêm thời gian khi xe hoạt động trở lại để trả nhưng ngân hàng chưa có ý kiến…
Giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh: Đ.Hòa
Còn anh Nguyễn S. ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết vay ngân hàng A. gần 5 tỷ đồng để đầu tư vào nhà nghỉ nhưng 2 năm trở lại đây, du lịch không hoạt động nên không có thu nhập mà tiền lãi vẫn trả. May mắn là khi biết có Thông tư 01 và 03 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên anh đã làm đơn trình bày hoàn cảnh và được ngân hàng đồng ý giảm lãi, khoanh nợ cho anh vì nằm trong danh mục ngành, nghề được hỗ trợ.
Đến ngày 25/8/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 544,3 tỷ đồng/7.123 khách hàng, giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,21 tỷ đồng. Cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 25/8/2021 là 24.876 tỷ đồng/7.176 khách hàng…
Tùy thuộc vào nội quy từng ngân hàng
Trở lại chuyện anh T.A.T, anh S. không phải là cá biệt, vì trên địa bàn tỉnh có hàng trăm khách hàng vay vốn đầu tư vào xe chở khách đường dài, xe chạy hợp đồng, xe chạy tuyến cố định đều gặp khó khăn khi các tỉnh, thành dừng việc vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, không phải ai cũng được miễn, giảm lãi suất vì mỗi ngân hàng có cách áp dụng khác nhau. Nguyên nhân là do Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định tùy nội quy của từng ngân hàng để áp dụng. Vì vậy, ngân hàng nào “thương” khách hàng thì thông báo sớm để làm đơn xin miễn giảm lãi suất, còn nơi nào “lơ là” thì khách hàng... phải ráng trả nợ. Cũng không thể trách những đơn vị này, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh khi phải huy động vốn trong dân, vay liên ngân hàng rồi cho khách hàng vay lại với lãi suất có chênh lệch để bảo đảm có lợi nhuận nhiều hay ít. Do đó, khi đi vay vốn, người vay cần lựa chọn ngân hàng phù hợp.
Ông Phạm Văn Trịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có Agribank đang dẫn đầu trong công tác triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Qua tìm hiểu, được biết Agribank đã cơ cấu lại nợ với 783 tỷ đồng/126 khách hàng, dư nợ miễn giảm lãi 73 tỷ đồng/48 khách hàng. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ 4 - 5% là 4.410 tỷ đồng/108 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 1.683 tỷ đồng. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã được Agribank chi nhánh hỗ trợ bằng tất cả các giải pháp là 4.406 tỷ đồng/22.955 tỷ đồng. Đến 31/7/2021 hệ thống Agribank toàn tỉnh giảm lãi suất cho dư nợ 20.135 tỷ đồng/86.070 khách hàng được giảm, số tiền lãi được giảm 14,2 tỷ đồng, ước tính đến 31/12/2021 số lãi được giảm sẽ là 80 tỷ đồng.
Điều 5, Thông tư 03 quy định về miễn, giảm lãi, phí
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
2. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Trần thi