Giảm nghèo bền vững - Bài 1: Rõ nguyên nhân để chắc giải pháp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 2 - 2,5% hộ nghèo/năm; quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực phía Bắc. Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…, trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Báo Tuyên Quang xin giới thiệu loạt 3 bài đánh giá những kết quả, điểm nhấn và bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo của giai đoạn này:
Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, giao thông đi lại ở nhiều nơi còn hạn chế, vẫn có những hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Đó thực sự là những rào cản rất lớn trong triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Những khó khăn, trở ngại
Xác định công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm, thực hiện. Là một tỉnh miền núi với nhiều khó khăn, thách thức, do vậy việc quyết tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt.
Trong các nhiệm kỳ đại hội, mục tiêu giảm nghèo luôn được đề cập đến gắn liền với các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về giảm nghèo trên địa bàn đồng thời xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hoàn thành giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình từ 2 - 2,5%/năm, phấn đấu đến 2025 đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ chiếm 23,45%, tỷ lệ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lâm Bình; Na Hang. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Xuân Lập 75,83%, Phúc Yên 74,84%, Hồng Quang 66,92%; Sinh Long 90,09%, Thượng Giáp 84,6%...
Một trong những nguyên nhân là do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chung của tỉnh không thuận lợi; địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa chia cắt, nhiều hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, một số hộ nghèo do trong gia đình có người ốm đau thường xuyên, tàn tật, già cả, có người mắc tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan cũng được xác định là do các hộ nghèo, cận nghèo chưa có ý thức nỗ lực, cố gắng vươn lên, trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi. Mặc dù thiếu vốn nhưng nhiều hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề. Một số hộ nghèo còn lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp về họp triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, 2025 trên địa bàn tỉnh mới đây, lãnh đạo một số sở, ngành cho biết, khi các cơ quan, đơn vị triển khai hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, có hộ nghèo vẫn nghĩ việc làm nhà là trách nhiệm các cơ quan đơn vị phải làm nên vẫn có hộ còn thờ ơ không tích cực tham gia. Do vậy các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo để hộ nghèo thấy được trách nhiệm và tự giác vươn lên, chung tay vào cùng làm theo tinh thần “Nhà nước và Nhân dân” cùng làm. Chỉ khi xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì việc giảm nghèo mới hiệu quả và bền vững được.
Quyết sách để giảm nghèo nhanh và bền vững
Trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo. Nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được triển khai đi vào cuộc sống, giúp tạo động lực để hộ nghèo vươn lên. Tiêu biểu như: Kế hoạch số 127-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Công văn số 932-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 377/QĐ-UBND năm 2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025…
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung chương trình giảm nghèo bền vững đến cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ phụ trách, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung. UBND tỉnh phê duyệt, ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, phân bổ, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội…
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ngành đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các huyện, thành phố rà soát số hộ nghèo, theo nhóm nguyên nhân nghèo để triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên. Đặc biệt, xác định giải quyết việc làm cho yếu tố quan trọng để giảm nghèo bền vững, Sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê lập danh sách thành viên trong 23.558 hộ gia đình nghèo có chiều thiếu hụt về việc làm để lập danh sách lao động không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không có hợp đồng lao động giai đoạn 2022 - 2025 để làm cơ sở để UBND các huyện, thành phố đưa ra giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững. Thông qua đó, giúp nhiều lao động nghèo có việc làm, thu nhập ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều vượt kế hoạch đề ra.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc phổ biến qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo đối thoại chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thực hiện việc đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở hằng tháng ít nhất 1 lần. Qua đó đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nói riêng và ý thức trách nhiệm tự lực của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo hằng năm. Nhờ đó, công tác giảm nghèo được tổ chức thực hiện sâu rộng và đồng bộ, đặc biệt là đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng xã hội trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
(Còn nữa)