Giảm nghèo bền vững ở Bình Yên
Chủ tịch UBND xã Bình Yên (Định Hóa), ông Ngô Xuân Điển tâm đắc: Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, Bình Yên đang 'thay da, đổi thịt'. Năm 2020, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm từ 36,7% năm 2016 xuống còn 6,6% năm 2020. Giảm nghèo bền vững đã và đang thành hiện thực ở Bình Yên.
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 5 năm gần đây, nhân dân trong xã đã hiến gần 37.000m2 đất, 3.500 công lao động và 3,5 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc kiên cố hóa hơn 17km kênh mương nội đồng và mở rộng các tuyến đường bê tông về xóm, ngõ. Để giảm nghèo, xã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 100 lượt lao động/năm. Đặc biệt, có 78 trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo được Nhà nước và các tổ chức xã hội hỗ trợ về nhà ở.
Xã Bình Yên có 9 xóm, hơn 800 hộ dân, người dân sống thuần hậu, chân chất với công việc nhà nông. Tuy nhiên, do địa hình đồi nhiều hơn ruộng bãi, nên việc sản xuất lúa, ngô vừa đủ cung cấp lương thực tại chỗ, bình quân đạt 420kg lương thực/người/năm. Chăn nuôi nhỏ lẻ, sản lượng thịt lợn và gia cầm đạt 157 tấn/năm. Tổng đàn trâu, bò hơn 270 con nhưng chưa thực sự trở thành hàng hóa. Trong điều kiện địa hình phức tạp, người dân Bình Yên đã linh hoạt sử dụng phần lớn đất các khu vực đồi, bãi cho trồng rừng và phát triển cây chè. Toàn xã hiện có hơn 262ha đất lâm nghiệp, 5 năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã trồng được hơn 122ha rừng, trong đó có hơn 100ha cây keo; 20ha quế. Ông Nguyễn Văn Biên, xóm Yên Hòa nói: Rừng đang là tiềm năng, và sẽ cho người dân nguồn thu nhập đáng kể vào những năm sau này. Còn từ nhiều năm nay, chè mới là cây mang lại cho người dân Bình Yên cơm ăn, áo mặc và nhiều tài sản có giá trị khác.
Là xã thuần nông, nhưng Bình Yên là một trong những điển hình về phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Định Hóa. Xã hiện có trên 90% diện tích đất cấy lúa, trồng màu được cày, bừa, phay đất bằng máy. Các công đoạn như bơm nước, gặt, tuốt lúa, vận chuyển nông sản đều có máy móc hỗ trợ. Từ cách đây ít năm, hầu hết các hộ thu hoạch chè bằng máy cắt, mang về phơi khô, bán với giá từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Năng suất cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Lãnh đạo địa phương sốt sắng, vận động người dân chuyển đổi cách nghĩ, cách làm; đưa nông dân về các vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên); Minh Lập (Đồng Hỷ); La Bằng (Đại Từ) để học hỏi kinh nghiệm.
Rồi… tư duy, nhận thức của người dân thay đổi. Trong sản xuất bà con không chỉ hướng đến nhu cầu thị trường, mà đồng thời sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Bắt đầu từ việc họ trồng chè tuân thủ các quy trình chăm sóc, thu hái chè theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, sau đó đem sao suốt, tư thương đến tận nhà mua với giá bình quân 200.000 đồng/kg, tăng từ 5 đến 10 lần so với trước đây. Hiện, xã Bình Yên có 165ha chè, trong đó 130ha chè kinh doanh và 35ha chè trồng thay thế và trồng mới bằng các giống chè lai. Từ 5 năm gần đây, xã có sản lượng chè ổn định gần 1.230 tấn búp tươi/năm, sao khô được 246 tấn.
Bà Nông Thị Quyết, xóm Yên Hòa cho biết: Gia đình tôi có 10 sào chè, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Bà con trong xã cũng đều chế biến được chè an toàn, giá bán cao. Có được như vậy là bởi người dân chúng tôi thay đổi cách nghĩ, cách làm, cụ thể với sản phẩm chè: Từ hái về hong phơi sang sao suốt; từ làm chè thường dùng sang chè chất lượng cao. Vốc nắm chè tươi trên tay, tôi nói động viên: Vâng! đổi mới được tư duy sản xuất là cả một quá trình dài, và người Bình Yên đã làm được, và đang từng bước vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương mình.