Giảm nghèo bền vững ở một huyện nghèo trên vùng cao nguyên đá
Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang và là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mông, La Chí, Pu Péo, Nùng, Giáy... Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, trong năm 2023, toàn huyện đã giảm được 6,32% hộ nghèo, tương đương giảm được 1.171 hộ nghèo.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Qua đó, đã giúp người nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân như: Đẩy mạnh hỗ trợ người dân về y tế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách về giáo dục, trợ giúp pháp lý..., từ đó, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, huyện Mèo Vạc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58,61% vào cuối năm 2022 xuống còn 51,29% vào cuối năm 2023. Trong năm 2023, huyện Mèo Vạc đã xã hội hóa được trên 5,4 tỷ đồng, nhờ đó, đã xóa được 201 nhà tạm, xây mới và cải tạo được 1.212 nhà tắm, 1.278 nhà vệ sinh, cứng hóa và di dời được 616 chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây mới được 857 bể nước hộ gia đình.
Trong quá trình điều tra, rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các cơ quan chức năng của huyện Mèo Vạc đã thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
Do đặc điểm tự nhiên, nguồn đất phục vụ cho trồng trọt các loại cây trồng của Mèo Vạc gặp nhiều khó khăn (do đất chủ yếu là đá), huyện Mèo Vạc xác định, muốn phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân cần phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ, trong đó, phát triển chăn nuôi bò hàng hóa là mục tiêu chủ yếu.
Từ những giải pháp và quyết tâm trong công tác giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình cải tạo và phát triển đàn bò. Cho đến nay, ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) của huyện Mèo Vạc đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, giá trị của ngành chăn nuôi (tính đến cuối năm 2023) chiếm trên 47% cơ cấu của ngành nông nghiệp (tăng 5,7% so với năm 2020). Ngoài ra, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ luôn được ưu tiên thực hiện đã tạo điều kiện để Mèo Vạc hình thành nên các mô hình chăn nuôi bò hàng hóa tập trung.
Ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Do đặc thù là một huyện nghèo, dân trí của đồng bào còn thấp, nên công tác xóa đói giảm nghèo của huyện đã tập trung khai thác thế mạnh của địa phương, đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, trong đó, chủ yếu là chăn nuôi bò gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ đi đôi với thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhờ đó, thu nhập từ chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững".