Giảm nghèo bền vững ở Tân Châu kỳ vọng vào sự đột phá của các HTX

Nhờ vào việc xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) chú trọng nhiều hơn đến phát triển kinh tế hợp tác, kỳ vọng vào sự đột phá của các HTX thông qua các mô hình mới trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Qua đó giúp nâng cao thu nhập của người dân, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở vùng quê này.

Hoạt động được 2 năm nay, HTX Chăn nuôi và Thương mại dịch vụ Thiên Phú ở xã biên giới Tân Đông đang triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản và bò vỗ béo theo quy mô trang trại khép kín. Đàn vật nuôi được chăm sóc và kiểm soát bệnh tật tốt, nhờ vậy hiệu quả chăn nuôi cũng tăng cao.

Chăn nuôi trang trại ở xã vùng biên

Ông Bùi Danh Quân, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi học hỏi nhiều rồi thì thấy phải chăn nuôi quy mô lớn mới phát huy hiệu quả. Hiện nay, mỗi đợt chúng tôi nuôi từ 200 – 300 con dê, bò cũng đang tăng số lượng”.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của HTX Chăn nuôi và Thương mại dịch vụ Thiên Phú giúpgiảm nghèo cho người dân ở xã biên giới Tân Đông.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản và bò vỗ béo theo quy mô trang trại khép kín của HTX này với hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, được kỳ vọng mở ra hướng đi mới theo hướng bền vững, thiết thực góp phần giảm nghèo ở xã biên giới. Nhất là nuôi theo quy mô trang trại được thiết kế có nhiều ô ngăn chuồng thành từng khu để dễ kiểm soát và chăm sóc. Mặt sàn được làm cách mặt đất cả mét nhằm tạo thông thoáng, mát mẻ cho đàn dê và bò.

Theo ông Quân, từng công đoạn chăm sóc đàn dê đều thực hiện theo quy trình, giờ giấc bài bản. Mỗi con dê, bò đều có chế độ chăm sóc phù hợp. Cùng với đó, yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của dê là nguồn thức ăn. Nếu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho dê, bò ăn chủ yếu là lá cây và phụ phẩm nông nghiệp thì trang trại của HTX kết hợp cho ăn cỏ, cám trộn, bắp và các loại thức ăn khác để đảm bảo chất lượng thịt.

Thay vì mạnh ai nhà ấy làm như trước đây, sau khi tham gia vào HTX chăn nuôi dê, các thành viên đã cùng hợp tác để tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, các thành viên còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê sinh sản và bò vỗ béo. Nhờ mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn như vậy đã giúp nhiều người dân ở xã Tân Đông thoát nghèo.

Cùng với HTX nêu trên, thời gian qua ở xã vùng biên như Tân Đông đã chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhất là chọn đầu tư những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm giá thành, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào trong sản xuất.

Nhờ đó, xã Tân Đông đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ cách đây 3 năm và đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, sau đó tiến tới xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu.

Thâm canh cây mãng cầu theo hướng hữu cơ

Còn ở xã Tân Hưng - nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Chăm và Khmer sinh sống, có HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung với sản phẩm quả mãng cầu đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, bình quân mỗi ngày HTX bán ra thị trường 10 tấn quả mãng cầu.

HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung với sản phẩm quả mãng cầu đạt OCOP4 sao.

Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết HTX hiện có 100ha trồng giống mãng cầu truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP và 500ha liên kết đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất sạch.

Theo ông Trung, tại địa bàn xã Tân Hưng, mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thường cao, rất phù hợp để cây mãng cầu sinh trưởng, “tích tụ độ ngọt” cho quả, tạo hương vị đặc biệt. Không chỉ có vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ, múi dai, quả mãng cầu ở đây còn có hình thức khá bắt mắt, trái to, các gai (mắt) nở căng, khi chín các kẽ quả có màu vàng phớt hồng rất đẹp.

Thời gian qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Tân Châu tổ chức các hội thảo chuyên đề kỹ thuật trồng thâm canh cây mãng cầu theo hướng hữu cơ.

Nhất là hướng dẫn kỹ thuật canh tác như: thời vụ, mật độ trồng, kỹ thuật trồng, bón phân, tỉa cành và phòng trừ một số sâu bệnh gây hại chủ yếu trên cây mãng cầu; hướng dẫn kỹ thuật xử lý ra hoa đạt hiệu quả cao; các phương pháp chuyển đổi sang sản xuất cây mãng cầu theo hướng hữu cơ. Qua đó, HTX đã giúp bà con nông dân trong xã Tân Hưng có được những kinh nghiệm, kiến thức mới áp dụng vào thực tiễn trồng và chăm sóc cây mãng cầu theo hướng hữu cơ.

Đánh giá cao sản phẩm mãng cầu sạch của HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung và khả năng tham gia chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nên Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh đã có định hướng lựa chọn HTX này tham gia mô hình điểm HTX kiểu mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Minh Trung cũng được chính quyền huyện Tân Châu đánh giá là mô hình giảm nghèo hiệu quả cho bà con địa phương.

Từ vai trò đóng góp quan trọng của một HTX như vậy đã góp phần giúp cho xã Tân Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022 sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới hồi năm 2018. Tính đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 77 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,29%.

Tân Hưng là xã thứ hai của huyện Tân Châu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tiếp tục nỗ lực duy trì, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Đến nay, toàn huyện Tân Châu có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các chương trình về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021- 2025 đã tạo điều kiện để Tân Châu đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong huyện tăng nhanh, đồng thời giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

Từ việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự chuyển biến ở khu vực kinh tế hợp tác đã góp phần giúp cho huyện Tân Châu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Trong phát triển kinh tế hợp tác, huyện Tân Châu đã và đang tiếp tục định hướng phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Huyện cũng khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp HTX làm đầu kéo cho HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Còn trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã và đang chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có 60 dự án trồng trọt, trong đó có 30 dự án trồng đinh lăng, 14 dự án trồng nấm, 16 dự án trồng trọt hỗn hợp. Có 8 dự án trồng trọt áp dụng VietGAP với hơn 120 ha.

Huyện Tân Châu đã triển khai cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc các loại cây trồng trên 600 ha; phối hợp đề xuất cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chuối già Nam Mỹ. Huyện cũng cấp mã vùng nội địa cho trái mãng cầu của HTX Minh Trung.

Ngoài ra, huyện đang tiếp tục triển khai các mô hình trồng thâm canh khoai mì, bưởi, mít; mì thương phẩm sạch bệnh, nuôi dê sinh sản, sản xuất rau ăn quả an toàn..., phối hợp trồng khảo nghiệm 1.000 giống mì tại xã Suối Dây.

Từ việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự chuyển biến ở khu vực kinh tế hợp tác đã góp phần giúp cho huyện Tân Châu giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn chiếm 0,28% và số hộ cận nghèo còn 0,91%.

Để giảm nghèo bền vững, huyện Tân Châu đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, triển khai nhiều mô hình của lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp. Điều này đang kỳ vọng rất nhiều vào sự đột phá từ những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao của các HTX, tổ hợp tác nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người dân, từ đó nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả hơn nữa.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/giam-ngheo-ben-vung-o-tan-chau-ky-vong-vao-su-dot-pha-cua-cac-htx-1096401.html