Giảm nghèo bền vững ở vùng đệm U Minh Thượng từ 'bệ phóng' HTX

Hai xã vùng đệm của huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) là An Minh Bắc và Minh Thuận đang phát triển mạnh các HTX nông nghiệp nhằm tạo ổn định đầu ra nông sản, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát cảnh bấp bênh. Việc định hướng liên kết phát triển sản xuất thông qua HTX ở vùng đệm này được kỳ vọng là 'bệ phóng' giúp người dân địa phương giảm nghèo bền vững.

Hồi tháng 3/2023, tại ấp An Hưng, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) đã ra mắt HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch An Hưng. HTX có 7 thành viên, diện tích sản xuất 20 ha và hoạt động các dịch vụ như: làm đất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng giống, thu hoạch, thu mua tiêu thụ nông sản cho thành viên và dịch vụ du lịch.

An Minh Bắc “nở hoa” kinh tế hợp tác

Đây là loại hình HTX sản xuất gắn với kinh doanh dịch vụ du lịch, có lợi thế nhiều mặt, có nhiều sản phẩm chủ lực, ngoài gừng còn chuối, mật ong… Không những vậy, HTX sẽ tận dụng lợi thế này để phát triển dịch vụ, tăng thu nhập cho thành viên, quảng bá du lịch cộng đồng.

Các loại nông sản bản địa của HTX dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc luôn được đánh giá cao.

Ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, đã bày tỏ sự tâm huyết với mô hình của HTX này và khẳng định huyện sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ hết sức có thể để HTX hoạt động tốt.

Ngoài HTX nêu trên, khi nhắc đến xã An Minh Bắc phải kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc. Đây là HTX dịch vụ và sản xuất cây ăn trái kiểu mẫu trên địa bàn xã với 120 thành viên, được thành lập từ cách đây 2 năm và đang hoạt động khá hiệu quả.

HTX này được cho là có lợi thế đông thành viên, tập hợp được đa dạng thành phần có trình độ, có tri thức, ban lãnh đạo lại trẻ. HTX đang nỗ lực mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất và thu hút nhiều nông dân địa phương ở trong vùng đệm vào HTX để có thêm thu nhập.

Thời gian qua HTX dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc đã mở dịch vụ liên kết tiêu thụ nông - thủy - hải sản: Xoài, chuối, cá đồng, tôm càng xanh, lúa; các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, sấy chuối và xoài, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Còn về lâu dài HTX sẽ tiếp tục mở dịch vụ liên kết nuôi cá đồng; dịch vụ cung cấp gạo sạch; dịch vụ du lịch nông thôn

Lãnh đạo huyện U Minh Thượng đang kỳ vọng vào sự phát triển của HTX này để trở thành HTX điểm nhằm nhân rộng phát triển kinh tế hợp tác ở các xã khác.

Ngoài ra, trong xã An Minh Bắc còn có HTX nông nghiệp Vĩnh Toàn với 7 thành viên, diện tích sản xuất 28 ha. HTX đang hoạt động các dịch vụ như: Làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng giống, thu hoạch, thu mua tiêu thụ nông sản cho thành viên.

Ông Dương Quốc Khởi cho rằng việc thành lập các HTX ở An Minh Bắc là hết sức cần thiết. Thông qua các HTX sẽ giải quyết nhiều vấn đề khó khăn mà cá nhân khó có thể làm được như liên kết giảm chi phí sản xuất.

Khởi sắc HTX ở Minh Thuận

Còn ở xã Minh Thuận, hồi tháng 11/2022, sau 3 năm ấp ủ ý tưởng, Ban Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 đã ra mắt sản phẩm trà gừng linh chi. Điều này không chỉ góp phần nâng giá trị nông sản huyện U Minh Thượng mà còn giúp ổn định đầu ra nông sản, nâng cao thu nhập nông dân.

Sản phẩm này có sự liên kết giữa HTX với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ mỹ phẩm công nghệ cao Happy Rice nhằm nâng giá trị củ gừng U Minh Thượng thành sản phẩm trà thương mại.

Thu hoạch ngò gai ở HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10.

Bà Trần Thị Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, cho biết HTX đã cung cấp nguyên liệu gừng tươi và thông qua liên kết với doanh nghiệp để chế biến ra thành phần chính của trà.

Gần đây, HTX này còn hợp tác cùng Trường Đại học Kiên Giang để nghiên cứu phát triển các sản phẩm nông sản bản địa, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp kênh 10 hiện có diện tích 99,5 ha, với 32 thành viên và 66 lao động thường xuyên. Đến nay HTX đã giúp cho thành viên có được đầu ra nông sản ổn định, thành viên an tâm sản xuất.

Mặc khác, HTX giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nâng cao đời sống thành viên, góp phần đáng kể trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở xã Minh Thuận. Bà Vỹ cho rằng nhờ liên kết tiêu thụ với đầu ra ổn định, giá cả hợp lý nên nhiều loại rau màu như khoai, ớt, bắp…được giá, giúp thành viên và các nông dân trong xã có lãi, cuộc sống khởi sắc.

Đây cũng là một trong ba HTX thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp kênh 10 đang thực hiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Về vùng đệm của huyện U Minh Thượng hiện nay, đặc biệt là ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận sẽ thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Theo tâm sự của chị Hà Thị Xuân, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận, nhờ hoạt động hiệu quả của các HTX với đầu ra nông sản ổn định, giá cả hợp lý đã giúp nông dân vùng đệm có thu nhập tốt hơn trước.

Có thể nói việc phát triển mạnh HTX ở 2 xã vùng đệm nêu trên, với những mô hình thiết thực, được kỳ vọng là “bệ phóng” để góp phần giảm nghèo bền vững cho huyện U Minh Thượng.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện này giảm còn 6,37%, hộ cận nghèo còn 5,04%. Để tìm hướng đi mới giúp nông dân U Minh Thượng có nguồn thu nhập ổn định thì việc định hướng cho người dân hợp tác, liên kết phát triển sản xuất như hai xã vùng đệm An Minh Bắc và Minh Thuận là rất cần thiết.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giam-ngheo-ben-vung-o-vung-dem-u-minh-thuong-tu-be-phong-htx-1092554.html