Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Phước. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên, với một bộ phận nhỏ đồng bào DTTS, để giảm nghèo bền vững, ngoài sự vào cuộc của chính quyền các cấp, những người trong cuộc phải thay đổi tư duy, thói quen và quan trọng là có ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo.

Rào cản giảm nghèo

Trong chuyến công tác tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng một ngày đầu tháng 7, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng được Nhà nước cấp theo dự án hỗ trợ người dân khó khăn vùng DTTS, tài sản lớn nhất của gia đình anh Điểu Há, dân tộc S’tiêng có lẽ là 6 người con. Sau một lúc chuyện trò, phải khó khăn lắm anh mới nhớ hết năm sinh mấy đứa con của mình.

Anh Điểu Há cho biết: Cuộc sống khó khăn, bản thân đi trút mủ cao su thuê mỗi ngày được 50 ngàn đồng, vợ không có việc làm nên vào rừng đào măng, hái lá nhíp để kiếm cái ăn. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng do con đông nên làm ngày, làm đêm cũng chỉ để lo cái ăn, cái mặc, thành ra bọn trẻ không được học đến nơi đến chốn.

Anh Điểu Há (giữa) thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng khó thoát nghèo vì sinh nhiều con

Anh Điểu Há (giữa) thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng khó thoát nghèo vì sinh nhiều con

Xã Đồng Nai có 1.346 hộ dân, 5.576 nhân khẩu, trong đó 65% dân cư là đồng bào DTTS. Ông Điểu Mali Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai cho hay: Những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do quan niệm đông con hơn đông của, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng sinh đông con. Thời gian gần đây, địa phương đã tăng cường tuyên truyền nên tình trạng này giảm đáng kể.

Cùng với sinh con nhiều, một số hộ dân vùng DTTS còn vướng vào tình trạng vay lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất. Chỉ vì nhu cầu chi tiêu, với suy nghĩ đơn giản và ít tính toán lo xa nên nhiều hộ DTTS vẫn phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng, hệ lụy dẫn đến nhiều hộ dân bị mất đất, siết nhà.

Trường hợp chị Thị Chơi ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một điển hình. Với khoản nợ 150 triệu đồng mà ngay cả bản thân chị cũng không nhớ rõ vay từ năm nào, chỉ trong thời gian ngắn số tiền này đã lên 220 triệu đồng. Không vườn rẫy, việc làm thiếu ổn định, gia đình chị đành phải ngậm ngùi gán ngôi nhà cùng mảnh vườn đang ở với diện tích gần 1.500m2 để trả nợ.

Dân trí thấp, hiểu biết hạn chế được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm cố, sang nhượng đất ở và đất sản xuất trong vùng DTTS thời gian qua. Tại xã Bù Gia Mập, trước đó địa phương đã cảnh báo rất nhiều vì đất đai là tư liệu sản xuất chính, giữ đất là giữ lại tư liệu sản xuất, giữ lại kế sinh nhai bởi cuộc sống của người dân từ trước đến nay chủ yếu dựa vào vườn, rẫy. Tuy nhiên, nhiều hộ có thói quen bán điều bông để lấy tiền một lần. Do trình độ còn hạn chế, không biết tính toán làm ăn, đồng bào chỉ dùng tiền vào mục đích tiêu xài cá nhân. Sau khi hết tiền thì đồng bào chuyển sang vay nặng lãi, cầm cố đất; đến khi không có khả năng thanh toán buộc phải sang nhượng lại đất để gán nợ.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Trước đây, thu nhập chính của gia đình chị Thị Kim Minh, dân tộc S’tiêng, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh phụ thuộc hoàn toàn vào 2 ha hồ tiêu và cao su. Tuy nhiên, do hồ tiêu và cao su thu nhập bấp bênh, chị Minh đã mạnh dạn vay vốn từ các chương trình, dự án của các cấp hội phụ nữ để đầu tư chuồng trại nuôi trâu và dê sinh sản. Hằng năm, nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, đàn dê của gia đình chị phát triển tốt, có thời điểm số lượng đàn lên tới 50 con. Vì thế, nguồn thu của gia đình chị luôn đảm bảo.

Chị Minh chia sẻ: Ở đây, nuôi dê rất phù hợp vì thức ăn cho dê có sẵn từ lá cây keo được trồng làm nọc tiêu. Phân dê được gia đình tận dụng bón cho cây trồng. Dê là loài vật dễ nuôi, sinh sản nhanh, có thể cho thu quanh năm, có đồng ra, đồng vào để xoay xở cuộc sống.

Cao su rớt giá, chị Cao Thị Khánh Hòa, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh chủ động học thêm nghề bốc thuốc nam gia truyền của gia đình để cải thiện thu nhập

Cao su rớt giá, chị Cao Thị Khánh Hòa, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh chủ động học thêm nghề bốc thuốc nam gia truyền của gia đình để cải thiện thu nhập

Hồ tiêu mất mùa, rớt giá, cao su giá giảm sâu trong nhiều năm liền và để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học, chị Cao Thị Khánh Hòa, dân tộc Thái, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh đã chủ động học thêm nghề bốc thuốc nam gia truyền. Vừa qua, chị còn mạnh dạn đầu tư mở hàng tạp hóa để kinh doanh buôn bán, nhờ đó thu nhập của gia đình chị luôn đảm bảo.

Chị Hòa chia sẻ: Thời buổi này mà không thay đổi tư duy phát triển kinh tế thì khó có thể lo cho gia đình. Thay vì chạy theo xu thế trồng - chặt, chặt - trồng, gia đình tôi vẫn giữ lại diện tích cao su. Tuy nhiên, để đảm bảo thu nhập, lo cho các con ăn học, tôi còn kinh doanh hàng tạp hóa, bốc thuốc nam gia truyền.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư

Bình Phước có 58 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 5 xã, 25 thôn đặc biệt khó khăn. Những năm qua, việc chăm lo đời sống người dân vùng DTTS được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Đặc biệt là chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS triển khai từ năm 2019 đến nay đã làm thay đổi căn bản từ cơ sở hạ tầng đến đời sống người dân vùng DTTS. Đến nay, toàn tỉnh còn 2.835 hộ nghèo đồng bào DTTS, chiếm 6,17% tổng số hộ DTTS của tỉnh.

Xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là giải pháp thường xuyên trong Chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Hộ anh Điểu Linh, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được hỗ trợ xây dựng nhà ở

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 380 lồng ghép Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS với 10 dự án thành phần, gồm 12 tiểu dự án và 30 nội dung.

Tổng kế hoạch nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 hơn 1.758 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.177 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng hơn 177 tỷ đồng; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 102 tỷ đồng; vốn lồng ghép gần 154 tỷ đồng; ngân sách tỉnh tích hợp hỗ trợ từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS giai đoạn 2023-2025 dự kiến gần 149 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ thực hiện hơn 547 tỷ đồng, trong đó năm 2022 phân bổ hơn 216 tỷ đồng, năm 2023 phân bổ gần 331 tỷ đồng.

Mặc dù chương trình mới đưa vào thực hiện từ nửa cuối năm 2022, song các địa phương đang chủ động, nỗ lực giải ngân thực hiện các dự án nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Là huyện có 40,96% dân số là đồng bào DTTS, trong 2 năm 2022 và 2023, Bù Đăng được phân bổ hơn 65 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đến nay, huyện đã giải ngân được 74% nguồn vốn năm 2022 và hơn 11% nguồn vốn năm 2023.

Bà Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Vừa qua, huyện đã khánh thành tuyến đường đầu tiên của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Đồng Nai. Tuyến đường dài 5,314km với tổng kinh phí 14,307 tỷ đồng, gồm các hạng mục cải tạo, nâng cấp, xây mới và trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời.

“Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, sớm triển khai các công trình, dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân đúng kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Thị Diệu Hiền cho biết thêm.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146524/giam-ngheo-ben-vung-vung-dan-toc-thieu-so