Những lá đơn xin thoát nghèo ở Thường Thắng

Ở một số địa phương, công tác giảm nghèo còn gặp khó khăn do một phận người nghèo vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thế nhưng tại xã Thường Thắng (Hiệp Hòa), nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Việc làm này đã lan tỏa ý chí tự lực thoát nghèo của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Tự lực vươn lên thoát nghèo

Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 3/2019) đến nay, xã Thường Thắng đã có những bước tiến trong phát triển kinh tế. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Vừa qua, trong chuyến công tác tại xã, chúng tôi được cán bộ lao động, thương binh và xã hội kể chuyện về những lá đơn tự nguyện thoát nghèo của các hộ tuy đời sống còn khó khăn song đã chủ động, quyết tâm vươn lên. Tiêu biểu như hộ chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1977) ở thôn Thống Nhất, sau nhiều năm là hộ nghèo thì đến nay gia đình chị đã gửi đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

 Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Trước đây, cuộc sống gia đình chị Hoa rất khó khăn. Chồng chị đau ốm thường xuyên, không có khả năng lao động, lại tốn kém nhiều chi phí điều trị; hai con còn nhỏ. Dù vậy, chị Hoa vẫn cố gắng chăm chỉ cấy lúa, trồng rau màu; mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) mua bò về nuôi. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, sau một thời gian dành dụm, chị Hoa cải tạo được căn nhà cấp 4 khang trang, có điều kiện lo cho các con ăn học. Chị chia sẻ: “Dù chưa có nhà cao cửa rộng nhưng chỗ ăn ở vững chắc, ổn định hơn; các con mỗi ngày thêm khôn lớn, với chúng tôi đó là niềm hạnh phúc. Có được điều này cũng nhờ sự quan tâm động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Vì vậy, tôi xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để những gia đình khó khăn hơn được quan tâm, giúp đỡ, sớm cải thiện đời sống”.

Để thoát nghèo, bản thân mỗi người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mà nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, tạo thu nhập cho gia đình. Là mẹ đơn thân, nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1983), thôn Đồng Tâm luôn cố gắng xoay xở để có điều kiện lo cho hai con đến trường như bạn bè. Song phần vì sức khỏe hạn chế, phần vì ít ruộng canh tác, cũng chẳng có vốn để đầu tư buôn bán, cuộc sống của mẹ con chị Thơm mãi vẫn chật vật.

Năm 2020, chị được tham gia lớp học nghề may dành cho lao động thuộc hộ nghèo và xin vào làm tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm việc ở công ty và ngày nghỉ, chị nhận thêm hàng gia công về làm, tranh thủ nuôi gà, vịt để phụ đỡ chi phí sinh hoạt. Chăm chỉ làm lụng, có việc làm phù hợp với sức khỏe, các con đã lớn nên chị Thơm viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Cuộc sống của mẹ con tôi dù vẫn còn khó khăn nhưng đã khá hơn nhiều hộ khác. Vả lại, tôi nghĩ cũng chẳng ai mong mình cứ mãi nghèo để nhận trợ giúp của Nhà nước trong khi mình còn có thể cố gắng vươn lên được”, chị Thơm nói.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ

Xã Thường Thắng có 9 thôn với hơn 2,3 nghìn hộ dân, hơn 10 nghìn nhân khẩu. Nhiều năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới cùng các chính sách khác đã tạo đòn bẩy giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023, toàn xã còn 31 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34%, giảm 1,26% so với năm 2021 (năm đầu giai đoạn), vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, xã ghi nhận từ năm 2021 đến nay, có 8 trường hợp tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Những hộ này phần nhiều có lao động làm việc tại các khu công nghiệp, người ở nhà thì chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, cuộc sống khá hơn. Có hộ đời sống vẫn còn khó khăn nhưng xin ra khỏi danh sách hộ nghèo bởi bà con đã thay đổi về nhận thức, mong muốn được chủ động, tự lực vươn lên, nhường sự hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn.

 Xã Thường Thắng từng ngày khởi sắc.

Xã Thường Thắng từng ngày khởi sắc.

Khoảng 5 năm trở về trước, trên địa bàn xã chưa từng có việc người dân viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với những hộ quyết tâm, tự lực thoát nghèo, để động viên các hộ kịp thời, chính quyền xã đã khen thưởng trong dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân 28/11 hằng năm và tuyên truyền rộng rãi về ý thức, nghị lực của người dân, lan tỏa những hành động đẹp, khơi dậy phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Đây cũng là kinh nghiệm quý của cấp ủy, chính quyền xã trong phát huy nội lực, hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo, bảo đảm về đích xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình vào tháng 9 tới đây.

Để người dân thoát nghèo bền vững, theo bà Lê Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các thôn rà soát từng tiêu chí thiếu hụt, phân loại các hộ theo nhóm nguyên nhân nghèo để đề xuất hình thức hỗ trợ phù hợp. Xã bố trí, lồng ghép để phát huy hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất; có chính sách giúp các hộ mới thoát nghèo mua phương tiện sản xuất, cây, con giống, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; tuyên truyền, vận động để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể phát huy tối đa hiệu quả các tổ ủy thác cho vay vốn ưu đãi để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có 14 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 26,3 tỷ đồng; hiện có 588 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, tính riêng dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là hơn 8,8 tỷ đồng.

Người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo không hẳn vì thực sự hết khó khăn mà vì họ nhận thức được trách nhiệm, nỗ lực vươn lên, chia sẻ nguồn hỗ trợ với những hoàn cảnh thiếu thốn hơn mình. Hy vọng những lá đơn quyết tâm thoát nghèo ở Thường Thắng sẽ lan tỏa tinh thần tự lực ra nhiều địa phương khác, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-la-don-xin-thoat-ngheo-o-thuong-thang-170255.bbg