Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 1: Chạy theo chỉ tiêu
Những mục tiêu được đặt tra trong công tác giảm nghèo vô hình trung đã khiến cho việc giảm nghèo không đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn mang tính áp đặt để lấy thành tích.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1%/năm trở lên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chịu áp lực phải giảm tỷ lệ hộ nghèo để về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Những mục tiêu này vô hình trung đã khiến cho việc giảm nghèo không đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn mang tính áp đặt để lấy thành tích.
Từ đó nảy sinh nhiều bất cập trong bình xét hộ nghèo, có dấu hiệu khiên cưỡng khi đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nhiều gia đình thuộc diện quá khó khăn, làm gia tăng tỷ lệ hộ tái nghèo.
Ngậm ngùi... thoát nghèo
Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Thao (sinh năm 1964) ở khu 8, thị trấn Thanh Hà thuộc diện hộ nghèo, sống đơn thân, bị bệnh thần kinh, không có khả năng lao động. Bà Thao sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 20 m2 .
Sau này do ngôi nhà của bà Thao xuống cấp nặng nên ông Nguyễn Xuân Ca, Bí thư Chi bộ khu 8 (anh trai bà Thao) đã đón bà về ở cùng nhà. Tuy nhiên, trên danh nghĩa bà Thao vẫn là chủ hộ độc lập với gia đình ông Ca. Cuối năm 2018, bà Thao bị cắt khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Ông Ca cho biết thực tế hoàn cảnh của em gái mình rất khó khăn nhưng vẫn buộc phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo vì mục tiêu của khu là mỗi năm giảm 2 hộ nghèo. Những hộ nghèo còn lại ở khu 8 đa phần sống đơn thân, bệnh tật, không còn khả năng lao động nên việc đưa ai trong số họ ra khỏi danh sách hộ nghèo là "bài toán" rất khó.
Cuối cùng, ông phải đề xuất đưa chính em gái mình ra khỏi danh sách hộ nghèo để bảo đảm mục tiêu. "Tất nhiên tôi không hài lòng vì việc rà soát, xác định hộ nghèo như vậy không đúng thực tế. Nhưng đây là mục tiêu nên tôi chẳng biết làm gì hơn", ông Ca nói.
Cách nhà ông Ca không xa, bà Nguyễn Thị Miền (63 tuổi) ở khu 6, thị trấn Thanh Hà cũng phải ra khỏi danh sách hộ nghèo cuối năm 2018 dù cuộc sống vẫn đang bộn bề khó khăn.
Bà Miền sống đơn thân trong một căn nhà cấp 4 rộng khoảng 17 m2 trên mảnh đất của anh trai. Hằng ngày, bà đi nhặt đồng nát kiếm sống với thu nhập bình quân 5.000 - 7.000 đồng. "Chính cháu trai tôi cắt chứ ai. Chẳng thấu tình đạt lý tý nào", bà Miền nói với giọng chua chát khi cho rằng cháu trai đưa bà ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Cao Xuân Khiển (anh trai bà Miền) giải thích em gái ông phải ra khỏi danh sách hộ nghèo vì nhà ở nằm trên đất anh trai. Khi rà soát hộ nghèo, các tiêu chí về nhu cầu xã hội cơ bản gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, tiếp cận thông tin (ti vi, internet...) của nhà ông cũng được tính cho bà Miền.
Số điểm vượt quá khung theo quy định nên bà Miền phải ra khỏi danh sách. Ông Khiển bảo: "Con trai tôi là Trưởng khu dân cư số 6. Nó cũng không muốn đưa cô ruột ra khỏi danh sách hộ nghèo đâu vì đúng là cuộc sống của bà ấy khó khăn thật. Nhưng vận động người khác khó thì phải vận động chính người thân của mình thôi".
Đây là thực tế không chỉ của riêng thị trấn Thanh Hà mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng không tránh khỏi. Lãnh đạo một xã ở huyện Gia Lộc (xin giấu tên) khi được hỏi về vấn đề này cũng cho rằng: "Nhiều hộ còn khó khăn thật nhưng để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo theo nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ và Nghị quyết HĐND xã hằng năm nên trong quá trình bình xét hộ nghèo địa phương vẫn buộc phải vận động họ ra khỏi hộ nghèo".
Ông Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cũng cho rằng để hoàn thành chỉ tiêu giao hằng năm nên việc đánh giá, bình xét hộ nghèo ở nhiều địa phương chưa phản ánh đúng thực chất, đôi khi còn mang tính áp đặt. Bởi vậy có không ít hộ nghèo, cận nghèo sẽ bị đưa ra khỏi danh sách trong khi chưa bảo đảm đầy đủ các tiêu chí. Tình trạng này diễn ra từ lâu, đến thời điểm này vẫn chưa thay đổi gây không ít bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo.
Tái nghèo
Chính việc rà soát, xác định hộ nghèo chưa thấu tình, đạt lý như trên dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh (trình tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVI) chỉ ra một hạn chế là kết quả giảm nghèo ở tỉnh ta chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra ở những hộ vừa thoát nghèo. Trong 3 năm 2016-2018, toàn tỉnh có 5.558 hộ nghèo mới phát sinh. Trong số 31.713 hộ thoát nghèo có tới 57,39% mới thoát khỏi ngưỡng nghèo...
Năm 2018, xã Hiệp Cát có số hộ tái nghèo cao nhất huyện Nam Sách (5 hộ). Chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ lao động, thương binh, xã hội xã này cho biết số hộ tái nghèo chủ yếu thuộc diện không còn khả năng lao động, bệnh tật, thuộc đối tượng bảo trợ. Họ phải đưa ra khỏi hộ nghèo nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chỉ cần gia đình xảy ra biến cố là họ sẽ tái nghèo ngay lập tức.
Để khắc phục tình trạng này, bà Mai Thị Kim, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Lộc cho rằng các địa phương phải thực hiện nghiêm việc ghi phiếu điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra.
Trong quá trình điều tra, rà soát, các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhất là với những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động để tránh thiệt thòi cho những người nghèo vốn đã chịu nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày.