Giảm nghèo, nhìn từ thu nhập của người dân

Những năm qua, huyện Hướng Hóa xác định tạo điều kiện để người dân thoát nghèo, tăng thu nhập là tiền đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Từ đây, nhiều giải pháp sát thực, hiệu quả đã được huyện triển khai hướng tới mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân.

 Cây cao su góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa

Cây cao su góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa

Ông Hồ Văn Hảo, người uy tín ở thôn A Máy, xã A Xing sau một thời gian dài trăn trở, mới đây đã đứng ra vận động người dân trong thôn thành lập tổ đan lát truyền thống. “Bản thân tôi rất buồn khi nghề đan lát của cha ông đang dần mai một. Vì vậy, để giữ gìn nghề truyền thống này khỏi thất truyền cũng như tạo thu nhập cho người dân, tổ đan lát của chúng tôi đang nỗ lực để khôi phục nghề và tìm hướng ra cho sản phẩm”, ông Hảo nói. Từ những ngày đầu thành lập đi vào hoạt động, đến nay tổ đan lát thôn A Máy đã thu hút hàng chục hộ đồng bào dân tộc tại thôn tham gia. Một điều đáng mừng là đến nay, các sản phẩm đan lát của các hộ dân ở thôn A Máy đã được người tiêu dùng ưa chuộng và bày bán tại nhiều chợ trong vào ngoài tỉnh. Lãnh đạo xã A Xing cho biết, những cá nhân uy tín như ông Hảo không chỉ là hạt nhân tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới mà còn là người tiên phong trong khôi phục nghề truyền thống, tạo thu nhập cho người dân. Đến nay, nghề đan lát của thôn A Máy đã góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ, giúp họ phấn khởi lao động và đóng góp công sức giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Không chỉ là những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường giao thông thuận lợi mà giờ đây người dân thôn Tân Hải, xã A Dơi còn có nguồn thu nhập ổn định từ một loại cây trồng thế mạnh là cây cao su. Gần 20 năm làm kinh tế mới tại thôn Tân Hải, ngẫm về khó khăn những ngày đầu, ông Hồ Đăng Nguyên không dám nghĩ về một cuộc sống ổn định như hôm nay. Giờ đây, khi kinh tế đã khấm khá nhờ 3 ha cao su cho thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm thì với ông Nguyên việc đóng góp xây dựng nông thôn mới, chia sẻ với những gia đình khó khăn là điều ông luôn sẵn sàng. “Trước đây mình khó khăn cũng đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, nay mình đã khá lên thì không chỉ đóng góp xây dựng nông thôn mới mà còn chia sẻ kinh nghiệm, kinh phí cho các hộ khó khăn hơn có cơ hội thoát nghèo. Tôi cảm thấy vui vì sự đóng góp của mình sẽ làm cho thôn xóm khởi sắc, người khó khăn sẽ có thêm sinh kế thoát nghèo”, ông Nguyên cho biết.

Khi cuộc sống no đủ, người dân thôn Tân Hải đang tập trung làm giàu. Có nông dân đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng cơ sở sản xuất mủ cao su ứng dụng kĩ thuật mới, nâng cao giá trị sản phẩm cao su của địa phương. Thôn Tân Hải giờ chỉ còn 7 hộ nghèo, 15 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ có cây trồng thế mạnh, kinh tế khá giả lên từng ngày nên người dân đã chủ động chung tay, góp sức phấn đấu xây dựng thôn trở thành điểm sáng nông thôn mới của huyện Hướng Hóa. Nhờ bám sát cơ sở, huyện đã phát triển tốt các cây trồng chủ lực gắn với vùng chuyên canh và hướng đến xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Điển hình như cây cà phê của xã Hướng Phùng, Hướng Tân; cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã vùng Lìa; cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Thuận. Cùng với đó là tập trung nguồn lực cho vùng khó, hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ thế, mỗi năm toàn huyện sản xuất ra một khối lượng hàng hóa khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 32,5 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm. Toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân/xã là 11,45. Đây là những con số ghi nhận nỗ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đối với huyện miền núi Hướng Hóa.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144008