Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Nhiều năm qua, Bắc Giang là điểm sáng của cả nước về thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ). Người dân được tạo việc làm với thu nhập cao, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nâng cao mức sống người dân

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Lục Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (gọi tắt là XKLĐ) ngày càng nhiều. Chỉ tính năm 2022, toàn huyện có 548 người đi XKLĐ, đạt 101,5% kế hoạch đề ra. Các xã như: Tam Dị, Đông Phú, Bảo Sơn, Đông Hưng… phong trào XKLĐ khá mạnh.

Ông Giáp Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: “Lục Nam hiện có khoảng 7,2 nghìn lao động đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, thu nhập bình quân từ 15 - 35 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ nguồn tài chính từ XKLĐ nhiều hộ dân thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) xây dựng nhà ở khang trang.

Nhờ nguồn tài chính từ XKLĐ nhiều hộ dân thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) xây dựng nhà ở khang trang.

Hằng năm, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ song ước tính số tiền lao động từ nước ngoài gửi về địa phương qua hệ thống ngân hàng và người thân hàng chục tỷ đồng, góp phần đáng kể cải thiện, nâng cao mức sống người dân. Mỗi gia đình có một người đi XKLĐ là có cơ hội thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được xây mới, cải tạo, nâng cấp có phần đóng góp tích cực của các hộ có người thân đang lao động ở nước ngoài. Năm nay, huyện dự kiến đưa 380 lao động đi XKLĐ, 6 tháng qua đã có 245 lao động xuất cảnh.

Thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) là thôn đặc biệt khó khăn nhiều năm. Vậy mà giờ đây, giữa những đồi dứa bạt ngàn là nhiều ngôi nhà bề thế, xây dựng theo lối biệt thự nhà vườn.

Theo ông Trần Đức Mỳ, trưởng thôn, những ngôi nhà đó phần lớn là của các hộ có người thân đi XKLĐ. Cả thôn có gần 100 người đang lao động tại nước ngoài, nhiều nhà có từ 2-4 người, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), đảo Síp và Hàn Quốc. Từ XKLĐ, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cả thôn hiện có khoảng 30% hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Điều mà cách đây chục năm, người dân Đồng Cống không bao giờ nghĩ tới. Như hộ ông Nguyễn Văn Trước có 6 người gồm ông Trước, vợ, hai con trai và hai con dâu cùng làm việc ở Hàn Quốc. Sau những tháng ngày chắt chiu, gia đình ông đã xây được ngôi nhà khang trang giữa làng.

Chị Nguyễn Thị Hoàn (SN 1973) ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) do điều kiện kinh tế khó khăn nên đầu năm 2022 đã học tiếng và đi XKLĐ tại Đài Loan. Ở đây, chị được bố trí làm giúp việc gia đình, chăm sóc cụ già 80 tuổi, công việc vừa sức, nhà chủ tạo điều kiện nên chị đã nhanh chóng làm quen. Hiện một tháng chị được trả lương 15 triệu đồng. Do đã được nhà chủ lo chi phí ăn ở nên phần lớn tiền lương chị đều dành dụm gửi về nhà cho con gái. Sau hơn một năm lao động ở nước ngoài, chị trả được khoản vay khi đi XKLĐ và có thêm chút vốn để con ở quê sửa lại căn nhà đã xuống cấp.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 14,2 nghìn người đi XKLĐ, tập trung ở các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông...; chủ yếu là lao động phổ thông làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 14,2 nghìn người đi XKLĐ, tập trung ở các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông...; chủ yếu là lao động phổ thông làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung người lao động (NLĐ) của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu của các nước.

Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện và tổ chức cho NLĐ học nghề, vay vốn tại các ngân hàng, làm thủ tục pháp lý để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tùy theo khả năng, mỗi địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đối với người tham gia XKLĐ.

Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân gần 79,3 tỷ đồng cho 1.857 trường hợp vay vốn đi XKLĐ. Thống kê của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, thu nhập của người tham gia XKLĐ tại các thị trường bình quân đạt khoảng 22,5 triệu đồng/tháng. Có thể khẳng định, XKLĐ đã, đang và sẽ là kênh giảm nghèo hiệu quả, giúp phần lớn NLĐ và gia đình cải thiện đời sống, đóng góp xây dựng quê hương.

Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH, thời gian tới, hoạt động XKLĐ không chỉ tập trung ở các thị trường truyền thống mà mở rộng ra một số nước châu Âu và Australia theo ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động giữa Bộ LĐTBXH với các nước. Hiện nay đã có thêm nhiều chương trình khác dành cho lao động có tay nghề, lao động vừa học vừa làm… đáp ứng nhu cầu lâu dài cả trong và ngoài nước. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho 32,5 nghìn người, trong đó đi XKLĐ là 1.650 người.

Để hoàn thành kế hoạch, Sở LĐTBXH tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; làm tốt khâu dự báo về thị trường lao động ở nước ngoài, kịp thời thông tin, định hướng cho lao động của địa phương tham gia thị trường phù hợp.

Đặc biệt, tiếp tục mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, tập quán của các nước cho người lao động; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Vi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/407769/giam-ngheo-nho-xuat-khau-lao-dong.html