Giảm nghèo ở miền đất huyền thoại

Huy động mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa thông qua các tổ hợp tác, HTX đang giúp người dân tìm ra lối đi trong sản xuất kinh doanh và đưa huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Cát Tiên là huyện xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng, được mệnh danh là mảnh đất huyền thoại. Kinh tế của người dân nơi đây đang ngày một khấm khá nhờ phát triển các ngành nghề truyền thống, thế mạnh của địa phương thông qua các tổ hợp tác, HTX.

Đi lên từ “hạt ngọc trời”

Nhờ nằm dọc sông Đồng Nai, có hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng hoàn chỉnh, thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là cây lúa. Hiện, lúa cũng là cây trồng chủ lực của huyện nhờ tập trung phát triển theo hướng hàng hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Đến nay, nhiều mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, USDA-NOP… tập trung tại thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn đã khẳng định giá trị từ “hạt ngọc trời” của huyện.

Tiêu biểu như chính quyền xã Gia Viễn khuyến khích bà con nông dân thực hành nông nghiệp sạch để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và để hàng hóa có chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe. Xã cùng thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Từ 10 thành viên vào năm 2010, đến nay HTX phát triển lên 125 thành viên với tổng diện tích lúa hữu cơ là khoảng 160 ha. Toàn bộ sản phẩm lúa thu hoạch của hộ nông dân liên kết được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá lúa bình quân trên địa bàn huyện khoảng 8 - 10%.

Người trồng lúa ở Cát Tiên đã nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhờ tham gia HTX.

Người trồng lúa ở Cát Tiên đã nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhờ tham gia HTX.

Có thể thấy, trong xu thế hội nhập, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của các HTX được xem là bước chuyển dịch tích cực khi khẳng định được nhãn hiệu chất lượng “Lúa - Gạo Cát Tiên” trên thị trường tiêu thụ và giúp người dân nâng cao thu nhập từ loại cây trồng truyền thống.

Theo tính toán của ngành chức năng, mỗi ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao hơn lúa thường khoảng 10 triệu đồng. Trong khi người dân, thành viên không phải vất vả thu hoạch thủ công và bán thóc nhỏ lẻ. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Ngay như xã Gia Viễn, nhờ phát triển chuỗi giá trị lúa gạo thông qua mô hình HTX đã giúp xã hoàn thành tiêu chí giảm nghèo bền vững. Xã cũng duy trì 9 tổ hợp tác và 4 HTX với tỷ lệ hộ nghèo luôn ở dưới mức 0,5%.

Hóa giải khó khăn để giảm nghèo

Không chỉ dừng lại ở HTX sản xuất lúa, huyện Cát Tiên còn phát triển đa dạng các HTX như lâm nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, trồng và chế biến hạt điều, dệt may, rau quả…

Đặc biệt, thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng thí điểm HTX nông nghiệp điển hình tại huyện Cát Tiên.

Từ đó, đã có các HTX như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đồng Nai Thượng, HTX thổ cẩm Cát Tiên… được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tăng cường hợp tác, liên kết với các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp trong nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo thống kê, đến nay, huyện có 19 HTX nông nghiệp. Với vai trò hỗ trợ người dân và thành viên liên kết sản xuất, các mô hình sản xuất này đã góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở Cát Tiên với tỷ lệ trung bình 7,2%/năm.

Suốt thời gian qua, vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong quá trình giảm nghèo luôn được các ngành chức năng khẳng định bởi Cát Tiên là huyện xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng. Không những vậy, huyện còn có đa dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức và canh tác của người dân còn nhiều hạn chế nên quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo gặp những khó khăn nhất định.

Vậy nhưng, mô hình HTX lại hóa giải được những khó khăn đó. Bởi trong nền kinh tế thị trường như hiện nay nông dân ở các vùng dân tộc thiểu số cũng cần liên kết lại với nhau trong các HTX. Và HTX chính là tổ chức đại diện, hỗ trợ, chăm lo vào bảo vệ lợi ích cho họ. Do vậy, thúc đẩy phát triển HTX cũng là hỗ trợ người dân trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Hiện nay, Cát Tiên chỉ còn 717 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 6,9%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hơn 14%. Thu nhập bình quân của người dân trong huyện cuối năm 2019 là 35,8 triệu đồng/người/năm thì nay đã ở mức 56,6 triệu đồng/người/năm.

Nhằm tiếp tục giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số dưới 2%.

Để làm được điều này, Cát Tiên cũng định hướng sẽ tiếp tục phát triển kinh tế hàng hóa thông qua các HTX để thuận tiện hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển các chuỗi giá trị bền vững.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giam-ngheo-o-mien-dat-huyen-thoai-1090755.html