Giảm nghèo ở Việt Ngọc: Làm đâu chắc đó
Với phương châm 'giảm tới đâu chắc tới đó', xã Việt Ngọc (Tân Yên, Bắc Giang) lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Vũ Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc cho biết: “Đảng ủy, UBND xã luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Bởi vậy, xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; các chủ trương, chính sách về giảm nghèo. Từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, khơi dậy tính chủ động, vươn lên thoát nghèo của người dân”. Quá trình triển khai, xã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, giảm nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn xã còn 2,21% hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 3,59%; tỷ lệ giảm so với kế hoạch hằng năm đề ra.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, xã rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có sự giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Ví như hộ nào khó khăn về nhà ở thì giúp đỡ xây, sửa nhà; hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tư vấn đi lao động ở nước ngoài; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi. Từ năm 2023 đến nay, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 16 lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 800 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,4%. Ngoài ra, Việt Ngọc còn huy động xã hội hóa tặng quà, nhu yếu phẩm sinh hoạt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Riêng năm 2024, xã huy động nguồn lực xóa 6 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện cả 6 ngôi nhà đã khánh thành và đưa vào sử dụng.
Xác định nguồn vốn ưu đãi là đòn bẩy giúp các hộ thêm cơ hội thoát nghèo, Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã Việt Ngọc thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn đến với các đối tượng. Theo đó, xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể làm “cầu nối”, đứng ra nhận ủy thác, giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Hiện nay, toàn xã có 16 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ 30,9 tỷ đồng; hiện có 595 khách hàng còn dư nợ. Trong số này, riêng dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 13,9 tỷ đồng. Nhờ những nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực, ý chí thoát nghèo mà cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Anh (SN 1979) ở thôn Chung Chính từng thuộc diện nghèo rồi cận nghèo. Mấy năm trước, ba con còn nhỏ đang tuổi ăn học, vợ chồng không có việc làm ổn định chỉ quanh quẩn với hai sào ruộng nên luôn rơi cảnh thiếu trước, hụt sau. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, chị Thùy Anh được Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Chi hội Phụ nữ thôn tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Có vốn, chị đầu tư xây chuồng trại, mua hai con bò sinh sản, hai con lợn nái và vài chục con gà, vịt. Cùng đó thuê 3 sào ruộng để cấy lúa và trồng ngô ngọt. Chăm chỉ làm lụng và khéo thu vén, đợt bình xét cuối năm 2023, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. “Lúc khó khăn, thiếu vốn, tôi được địa phương hướng dẫn vay với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy mà kinh tế dần khá lên có điều kiện nuôi dạy các con ăn học”, chị Thùy Anh cho biết.
Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xã Việt Ngọc nằm ở phía Tây huyện Tân Yên, có diện tích tự nhiên 8,66 km2 với 2.361 hộ dân, 9.085 nhân khẩu sống ở 10 thôn. Địa bàn giáp ranh với các xã: Song Vân, Ngọc Vân, Lam Cốt (huyện Tân Yên); Ngọc Sơn, Hoàng Thanh, Lương Phong (huyện Hiệp Hòa); xã Dương Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Năm 2019 xã Việt Ngọc được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ đó đến nay, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao; phấn đấu về đích trong năm 2024. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp; đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Tỷ lệ đường thôn và đường liên thôn, liên xã được cứng hóa đạt 100%; có 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các thôn đều có nhà văn hóa khang trang và được lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời.
Hạ tầng cơ sở phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân địa phương năng động chuyển đổi nghề và làm việc tại các doanh nghiệp. Toàn xã có 79 người đi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 1,8 nghìn người làm việc trong các công ty ở trong và ngoài huyện; 449 hộ làm nghề phụ, kinh doanh dịch vụ và xây dựng cơ bản. Toàn xã hiện duy trì 307 ha trồng lúa; 264,9 ha trồng rau màu các loại; 67,2 ha trồng cây lâu năm. Tổng đàn vật nuôi gồm hơn 43 nghìn con gia súc, gia cầm và 23,46 ha nuôi trồng thủy sản. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có 13 trang trại, 21 gia trại chăn nuôi lợn. Bà con các thôn mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các trang trại chăn nuôi lợn, gà gia công của gia đình các ông: Vũ Đình Trà, Nguyễn Bá Hữu ở thôn Việt Hùng; Vũ Văn Ước ở thôn Tân Thể; Dương Văn Cốc, Nguyễn Văn Khoa ở thôn Đồng Xứng có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp: Dabaco, CP, Jafa...
Có lợi thế về đất đai, nguồn lao động nên những năm gần đây, Việt Ngọc vận động người dân phát triển cây ngô theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Từ đó tạo thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân. 6 tháng đầu năm 2024, toàn xã có 102 ha trồng ngô; trong đó diện tích ngô thương phẩm là 11 ha cho năng suất đạt 36 tạ/ha; diện tích ngô chế biến 91 ha, năng suất đạt 32,76 tạ/ha. Nhờ năng động chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên thu nhập của người dân Việt Ngọc ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân năm 2023 là hơn 68 triệu đồng/người.
Năm 2024, xã Việt Ngọc phấn đấu giảm 29 hộ nghèo, tương đương giảm 1,01% số hộ. Vì vậy, hiện nay xã đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn để phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Cùng đó ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, dự kiến hết năm 2024 sẽ đạt đủ tiêu chí.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giam-ngheo-o-viet-ngoc-lam-dau-chac-do-182206.bbg