Giảm nghèo thông tin quyết định sự thành bại trong lao động sản xuất
Giảm nghèo thông tin được xác định là khâu quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy phát triển bền vững từ việc nâng cao dân trí, nhận thức và tư duy phát triển kinh tế cho người dân. Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Phú, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), xoay quanh chủ đề trên.

Ông Lê Quốc Phú - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giao
PV: Kính thưa ông Lê Quốc Phú, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thời gian qua trên địa bàn xã Xuân Giao đã triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Lê Quốc Phú: Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thời gian qua xã Xuân Giao phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy - UBND xã đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu nêu trong nghị quyết đại hội đề ra, trong đó có chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Quá trình thực hiện địa phương xã Xuân Giao đạt được những kết quả quan trọng: Xác định công tác giảm nghèo bền vững góp phần rất lớn tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ đầu năm căn cứ vào kế hoạch chỉ tiêu huyện giao và Nghị quyết lãnh đạo công tác giảm nghèo bền vững của Đảng ủy, Nghị quyết phê chuẩn của HĐND xã, UBND xã đã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu giảm nghèo cho năm 2024 chi tiết tới từng thôn trên địa bàn.
Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đã tham mưu cho UBND xã xây dựng các kế hoạch về triển khai công tác giảm nghèo bền vững, phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách các thôn, lấy các tổ chức chính trị làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ.
Chỉ đạo công chức chuyên môn được phân công phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn thường xuyên sâu sát thực tế, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời đề xuất, báo cáo về UBND xã để có giải pháp. Tổ chức rà soát thông tin về hộ nghèo, cận nghèo để điều chỉnh kịp thời khi có sai sót, không gây phiền hà cho nhân dân trong quá trình triển khai các chế độ chính sách.

Phụ nữ người Dao ở thôn Chành, xã Xuân Giao (Bảo Thắng,Lào Cai) tham gia tập huấn giảm nghèo
Nhân dân và Cán bộ xã Xuân Giao đã luôn đoàn kết phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024. Là một xã có nguồn thu nhập chủ yếu từ lĩnh vực nông - lâm - nghiệp, xã đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào gieo trồng. Chú trọng sản xuất hàng hóa để phục vụ nhu cầu và cung cấp hàng hóa cho thị trường, vận động nhân dân mở mang nhiều ngành nghề, dịch vụ để nâng cao thu nhập, tích cực đóng góp công sức tiền của để xây dựng nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao.
Từ những nỗ lực trên năm 2024 địa phương đã đạt được những kết quả phấn khởi: Kinh tế có bước tăng trưởng khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn lại 4,4%, giảm 22,2% so với năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/ người/ năm; xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Năm 2024 xã Xuân Giao vinh dự được chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng đạt được nhiều thành tích khả quan trong công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác giảm nghèo thông tin trên địa bàn trong thời gian qua?
Ông Lê Quốc Phú: Tôi cho rằng công tác giảm nghèo thông tin là rất quan trọng, là khâu nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, bởi giảm nghèo thông tin là giúp người dân cập nhật thông tin, kiến thức, từ đó nhân cao năng lực trong hoạt động lao động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như việc người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi họ được tập huấn về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, sẽ giúp họ vững vàng hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ thông tin thị trường, để người dân có thể dễ dàng nắm bắt thông tin thị trường kịp thời để ứng dụng vào lao động sản xuất, sẽ giúp họ tự tin hơn, từ đó nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, tránh những rủi ro có thể gây thiệt hại. Vì vậy, khâu giảm nghèo thông tin là rất quan trọng, có thể nói nó là “nền tảng” quyết định sự thành bại trong hoạt động lao động sản xuất của người dân.

Giảm nghèo thông tin là "nền tảng" giúp chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Xuân Giao vươn lên phát triển kinh tế
PV: Đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo ở địa phương như vừa qua, lãnh đạo xã Xuân Giao có những bài học kinh nghiệm gì thưa ông?
Ông Lê Quốc Phú: Địa phương chúng tôi cũng rút ra một số giải pháp và những bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo như sau:
Một là: Chú trọng quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Cấp ủy Đảng và chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã chủ động quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị có tính xuyên suốt của địa phương hàng năm và cả giai đoạn.
Hai là: Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, chú trọng việc đổi mới mô hình tăng trưởng, định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh lĩnh vực chuyển đổi số gắn liền với phát triển nền kinh tế số.
Ba là: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trên đại bàn xã. Cần tuyên truyền rõ cho mọi người, nhất là đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo về những lợi ích, những giá trị thụ hưởng của giảm nghèo bền vững, từ đó xây dựng lý tưởng và ước mơ vươn lên giảm nghèo trong cộng đồng dân cư.
Bốn là: Các đoàn thể chính trị - xã hội mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được và khắc phục những điểm còn hạn chế; tích cực chủ động tham gia, năng động sáng tạo trong việc thực hiện chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, nhất là trong tháng cao điểm Vì người nghèo hàng năm (17/10 - 18/11), cần phát động các phong trào, hoạt động vì người nghèo thường xuyên, rộng rãi nhằm thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.