Giảm nghèo tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng

Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về nội dung này.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại Gia Phú (Bảo Thắng).

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại Gia Phú (Bảo Thắng).

Phóng viên: Đồng chí cho biết những thành tựu mà tỉnh đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua?

Đồng chí Đinh Thị Hưng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác giảm nghèo nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, trong đó hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nhận thức và phát huy tối đa nội lực giảm nghèo trong Nhân dân. Sự tích cực còn thể hiện ở chỗ các chương trình, chính sách giảm nghèo được vận dụng, triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế của từng địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập.

Về chính sách của tỉnh, cuối năm 2015, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09 về “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đặt ra các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh mỗi năm từ 4 đến 5% (riêng các huyện nghèo Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai giảm bình quân 5,8%/năm); tỷ lệ tái nghèo bình quân dưới 1%/năm. Ngày 24/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 20 về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên. HĐND tỉnh cũng có Nghị quyết 06 ngày 10/7/2019 về việc “Sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025”. Tiếp đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 ngày 10/7/2019 về “Sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ 30% đóng BHYT cho người cận nghèo trên địa bàn tỉnh”.

Với những quyết sách đúng cùng sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những con số ấn tượng. Năm 2016, toàn tỉnh có 34,3% hộ thuộc diện nghèo (Lào Cai là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 6 cả nước) thì đến nay, số hộ nghèo chỉ còn 11,46%; hộ cận nghèo 9,88%. Ước đến hết năm 2020, số hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 8,46%, trung bình tỷ lệ giảm nghèo là 5,17%/năm (mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là từ 3 đến 4% mỗi năm). Về thứ hạng, từ thứ 6, tỉnh đã vươn lên đứng thứ 11 cả nước về tỷ lệ hộ nghèo cao.

Phóng viên: Những khó khăn cơ bản trong thực hiện công tác giảm nghèo là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Thị Hưng: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước và tỉnh Lào Cai không phải ngoại lệ. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như mưa đá, sương muối, lạnh giá, nắng nóng cục bộ, mưa lũ - sạt lở đất, những hiện tượng thời tiết thường tác động trực tiếp đến đối tượng hộ nghèo và công tác giảm nghèo của tỉnh. Theo thống kê, gần 99% hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ở khu vực vùng sâu, vùng cao, nơi có cơ sở hạ tầng xã hội thiếu. Trong khi đó, nhận thức về sự chủ động sản xuất, thoát nghèo của một số người dân chưa tốt, còn dấu hiệu trông chờ, ỷ lại nên tác động tiêu cực đến các chính sách hỗ trợ. Cũng phải nói rằng,công tác tuyên truyền tại một số nơi còn yếu, chưa làm chuyển biến mạnh nhận thức của người dân, chưa khơi dậy được ý thức vượt khó tự vươn lên của hộ nghèo.

Nông dân Bản Lầu (Mường Khương) thu hoạch dứa.

Nông dân Bản Lầu (Mường Khương) thu hoạch dứa.

Phóng viên: Theo đồng chí, để khắc phục những khó khăn, hạn chế, trong thời gian tới chúng ta cần quan tâm tới vấn đề gì?

Đồng chí Đinh Thị Hưng: Điều trước tiên phải có nhận thức chung rằng công tác giảm nghèo cần tiếp tục được coi là nhiệm vụ quan trọng, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo công tác này một cách thường xuyên, liên tục. Phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó coi trọng tuyên truyền, tập trung khai thác tối đa các nguồn lực giảm nghèo, phát huy tinh thần sáng tạo, nêu cao vai trò của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giúp dân thoát nghèo. Về tuyên truyền, mục tiêu là khơi dậy được ý chí vươn lên của mỗi gia đình, việc triển khai các chính sách hỗ trợ cần tính toán kỹ tới hiệu quả, tính phù hợp với từng địa bàn. Trong hỗ trợ cần giảm dần nguồn lực vật chất, thay vào đó là đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng thoát nghèo.

Đối với các địa phương là nêu cao sự chủ động, cách làm sáng tạo khi triển khai chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững. Cần có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả hệ thống an sinh xã hội, trợ giúp kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro gây nên. Trong khai thác nguồn lực là lồng ghép thực hiện có hiệu quả nguồn vốn, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Làm tốt những nội dung trên, tôi cho rằng, mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân của người dân Lào Cai đạt 72 triệu đồng/năm vào cuối nhiệm kỳ tới, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 2% đến 3% mỗi năm và đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc là hoàn toàn có thể đạt được.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Ngọc (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/giam-ngheo-tiep-tuc-la-nhiem-vu-quan-trong-z5n20200607111640863.htm