Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Óc Eo

Nhờ đa dạng hóa sinh kế và tăng cường các chính sách hỗ trợ, đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn).

Thị trấn Óc Eo có 3.224 hộ, với 11.452 nhân khẩu. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có đồng bào dân tộc: Hoa, Khmer, Tày, Ê đê... Thu nhập chủ yếu của người dân là từ sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn có 236 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 7,32%, trong đó hộ nghèo, cận nghèo DTTS là 135 hộ, chiếm 4,19%.

Nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND thị trấn Óc Eo được giao thực hiện các dự án, tiểu dự án đã thực hiện tốt các thành phần dự án của chương trình. Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi thị trấn Óc Eo đã tập trung chỉ đạo quyết liệt từ công tác xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể từng dự án, tiểu dự án, thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, qua thời gian triển khai thực hiện, thị trấn đã có sự chuyển biến tích cực. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ chức đoàn thể được kiện toàn, nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động từng bước được đổi mới, thiết thực. Từ năm 2019 đến nay, địa phương đã mở 14 lớp dạy nghề, có 174/379 học viên DTTS Khmer tham gia. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm dần qua các năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến các khóm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho 68 hộ DTTS trong thị trấn vay vốn để phát triển sản xuất.

Dự án phát triển chăn nuôi bò giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo

Dự án phát triển chăn nuôi bò giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND thị trấn đã hoàn thành 4 dự án, cụ thể: Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Qua đó, đã hỗ trợ 9 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền 398 triệu đồng; hỗ trợ 12 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo mua thùng chứa nước; hỗ trợ nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS khóm Tân Đông, đoạn từ cầu Gò Cây Thị đến ranh của khóm Trung Sơn và khóm Tân Đông, giai đoạn 1, với số tiền hơn 871 triệu đồng. Các dự án khác, như: Dự án 3 - Tiểu dự án 2, chăn nuôi bò 217 triệu đồng, với 10 hộ tham gia (trong đó có 1 hộ nghèo, 3 cận nghèo và 4 hộ DTTS), hiện nay đã giải ngân cho các hộ tham gia dự án; Dự án 4, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc...

Những năm qua, nghề chăn nuôi bò thịt và bò cái sinh sản tại tỉnh An Giang nói chung và thị trấn Óc Eo nói riêng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế thiết thực đối với nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Nhờ được hỗ trợ việc nuôi bò, nhiều hộ dân thuộc vùng đồng bào DTTS cải thiện đáng kể kinh tế gia đình. Điển hình, bà Neang Dốt (ngụ khóm Tân Đông, có hoàn cảnh khó khăn) được hỗ trợ vốn nuôi bò lần thứ 2. Qua 2 lần nuôi, bà đã trả dứt nợ và thoát nghèo. Hay, vợ chồng ông Chau Hiền (ngụ khóm Tân Đông) cũng là một trong những hộ được hỗ trợ vốn nuôi bò. Phải làm thuê đủ nghề để trang trải cuộc sống, cuối năm 2022, ông Chau Hiền được nhận 25 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ. Nhờ cần cù, chịu khó và thực hành đầy đủ các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến tiêm phòng dịch bệnh trên bò, đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển được 4 con. Hiện, ông Chau Hiền đã hoàn trả lại cho dự án 5 triệu đồng theo thỏa thuận ban đầu. Qua đó cho thấy, chính sách hỗ trợ từ dự án phát triển chăn nuôi bò là rất kịp thời và hiệu quả, tạo thêm động lực để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo Phạm Minh Ngân, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền chính sách dân tộc; nâng cao tính dân chủ, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu KTXH; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội địa phương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện khí hậu, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS tại địa bàn…

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giam-ngheo-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-thi-tran-oc-eo-a412220.html