Giảm nghèo về thông tin: Hiệu quả bao trùm, bền vững

Năm 2023, ngành Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để mang thông tin đến với các hộ nghèo, cận nghèo.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra việc lắp đặt cụm loa truyền thanh thông minh tại thôn Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra việc lắp đặt cụm loa truyền thanh thông minh tại thôn Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Xác định việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thực hiện chuyển đổi số là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số nhằm xóa "vùng lõm" sóng di động, mở rộng dung lượng băng thông đường truyền, cung cấp Internet chất lượng cao cho các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% xã/phường/thị trấn, 99,8% số thôn/xóm được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và truyền hình chất lượng cao. Tổng số thuê bao truy nhập Internet cố định băng rộng qua cáp quang là 251 nghìn thuê bao (tăng 38% so với năm 2020), tương đương 72% số hộ gia đình đã sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng.

Điều này đã tạo thuận lợi cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet chất lượng tốt hơn.

Theo ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông (Định Hóa): Đến nay, 100% khu vực trung tâm các xóm trong xã đã có mạng thông tin di động 3G/4G, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của xã và trao đổi thông tin liên lạc của người dân rất thuận tiện...

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 13 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Để người dân được tiếp cận thông tin tại điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng, Bưu điện tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho 13 điểm bưu điện văn hóa xã, như: bàn; ghế; máy vi tính kết nối Internet băng rộng; tủ/kệ trưng bày, giới thiệu các xuất bản phẩm in, báo in... và bố trí nguồn nhân lực phục vụ người dân đến đọc sách, báo, tạp chí, truy nhập Internet. Thời gian phục vụ đảm bảo tối thiểu 6 tiếng/ngày, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.

Với nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động đài truyền thanh cấp xã, Sở TTTT đã lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 6 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Cúc Đường, Vũ Chấn, Thượng Nung (Võ Nhai), Bảo Linh, Quy Kỳ (Định Hóa) và Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Đối với các xã Linh Thông (Định Hóa), Yên Trạch (Phú Lương), Nghinh Tường và Phương Giao (Võ Nhai) được đầu tư đài truyền thanh từ Dự án phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hành sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh.

Cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hành sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh.

Chỉ vào cụm loa trên nóc nhà văn hóa xóm, chị Nguyễn Thị Hoa, dân tộc Tày, ở xóm Na Cà, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) phấn khởi cho biết: Lâu lắm mới được lắp cụm loa truyền thanh về tận xóm mà lại nghe rất trong, rất rõ, đi làm nương cũng nghe được. Tôi đề nghị đơn vị chức năng nên thường xuyên phát các chương trình thời sự và ca nhạc...

Để đảm bảo mục tiêu ít nhất 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet trong năm 2023, ngành TTTT đã hỗ trợ sử dụng dịch vụ Internet băng rộng đối với 38 cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trạm y tế xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 19.965 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được hỗ trợ dịch vụ viễn thông di động với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/tháng/thuê bao.

Đây là nội dung thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 theo Quyết định 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với mục tiêu ít nhất 95% số hộ đang sinh sống trên địa bàn xã khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông, các sở, ngành, địa phương đã xuất bản và phát hành 16 đầu xuất bản phẩm, với hơn 200 nghìn bản in dưới hình thức sổ tay, sách, tài liệu, tờ gấp truyền thông về công tác giảm nghèo bền vững.

Công tác giảm nghèo về thông tin đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, góp phần động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no", phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 điểm thu phát sóng di động (trạm BTS), trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có trên 10 trạm BTS cung cấp sóng 2G, 3G, 4G cho gần 1,76 triệu thuê bao. 100% xã có trung tâm thông tin điện tử. 143/177 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, trong đó 23 xã có đài truyền thanh thông minh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202402/giam-ngheo-ve-thong-tin-hieu-qua-bao-trum-ben-vung-d7b0396/