'Giảm nhiệt' cho bệnh nhân và người nhà
Nắng nóng gay gắt kéo dài từ đầu tháng 6 tới nay khiến ở các bệnh viện, người bệnh và người nhà bệnh nhân phải chịu áp lực khi lượng người đến khám chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến Trung ương quá tải. Tìm giải pháp 'giảm nhiệt' cho bệnh nhân đã được một số bệnh viện triển khai.
Chúng tôi có mặt ở Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ (Hà Nội) và thấy tại khu vực chờ siêu âm, chụp X quang có rất đông bệnh nhân đang chờ đợi tới lượt. So với trước đây, bệnh nhân đã giảm tải nhiều do bệnh viện có thêm nhiều cơ sở mới.
Tuy nhiên, lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện K tiếp đón khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người phải xếp hàng chờ từ sáng sớm. Chị Minh Thanh (Quảng Ninh) cho biết: “Tôi đi xe từ 3h sáng, 5h30 đã đến đây rồi, đi sớm mới về trong ngày được”.
Tại Bệnh viện Việt Đức, giờ thăm bệnh là 11h30 nên người nhà cũng chọn ngồi chờ dưới những tán cây, ghế đá. Vật vã cả chiều nóng bức ở ngoài sân trước khu vực chấn thương chỉnh hình, anh Phạm Thế Dương (Thanh Hóa) mồ hôi ròng ròng cho biết: “Bệnh viện quy định giờ thăm nuôi, tôi không có tiền thuê trọ ở ngoài nên chỉ ngồi tại đây chờ, nắng nóng cũng phải chịu”.
Để giảm tải nắng nóng, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai đón tiếp bệnh nhân sớm hơn và cố gắng khám cho bệnh nhân trong buổi sáng để không phải hẹn người bệnh sang giờ chiều. Theo lãnh đạo Bệnh viện K, nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, bệnh viện đã triển khai đón tiếp người bệnh từ 5h sáng tại cơ sở Tân Triều, 5h30 tại cơ sở Quán Sứ và khám bệnh từ 6h sáng mỗi ngày.
Tại cơ sở 9A-9B Phan Chu Trinh, nhân viên hướng dẫn, đón tiếp từ 6h30. Bệnh viện cũng triển khai bấm số tự động, tăng cường bàn khám, phòng khám và bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh để giảm áp lực tại khu vực phòng khám, khu vực lấy máu, chụp XQ, khu vực xét nghiệm… Bệnh viện trang bị thêm nhiều bạt để hạn chế nắng nóng ở khu vực sảnh chờ dành cho người nhà người bệnh.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, để tránh cho việc người dân đến khám bệnh phải về vào giờ giữa trưa khi thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, dễ gây đột quỵ, sốc nhiệt, tăng huyết áp,… bệnh viện đã thay đổi giờ khám bệnh. Theo Ths.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn, trước đây giờ khám bệnh là 7h30 thì nay thay đổi thành 7h để bệnh nhân về nhà không quá muộn.
Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an… đã tăng cường thêm quạt công suất lớn ở khu vực khám bệnh, phòng chờ, hành lang và lắp đặt điều hòa tại phòng điều trị. Các bệnh viện này cũng bố trí nước uống, người hướng dẫn bệnh nhân tới khám để tránh bệnh nhân phải đi tìm nơi khám, xét nghiệm.
Hai bệnh nhân tử vong do sốc nhiệt nặng
Ngày 26-6, BS. Nguyễn Thị Nga, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 6-2019, Khoa Hồi sức tích cực đã tiếp nhận 3 bệnh nhân vào viện với các triệu chứng: hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ C, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng.
Các bệnh nhân trên đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. Khi có biểu hiện choáng ngất và hôn mê, được đưa vào viện đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng.
Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực nhưng 2 bệnh nhân đã tử vong, 1 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Theo bác sĩ, người dân phải hiểu các biện pháp dự phòng, nhận biết và xử trí ban đầu sốc nhiệt.
Những người lao động, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, có thể có các triệu chứng ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất. Nếu có biểu hiện sốt cao > 39-40oC, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê, là biểu hiện tiến triển đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay như: Nhanh chóng di chuyển nạn nhân vào nơi mát mẻ; đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo; sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể, đồng thời dùng quạt thổi vào để tăng cường hạ nhiệt; cho nạn nhân uống nước ngay nếu còn tỉnh; gọi ngay xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
PV
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/giam-nhiet-cho-benh-nhan-va-nguoi-nha-551060/