Giảm nỗi lo quanh cây sắn

Tân An là xã có diện tích trồng sắn lớn nhất huyện Văn Bàn. Cây sắn có lợi thế là kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của loại cây trồng này rất hạn chế nên xã đang vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Theo thông tin của UBND xã Tân An, cây sắn phát triển mạnh tại địa phương khoảng 10 năm gần đây. Đặc biệt từ năm 2011, khi Nhà máy sắn Tân An đi vào hoạt động, diện tích sắn trên địa bàn tăng nhanh và hiện 13/13 thôn trên địa bàn xã đều trồng sắn. Trong đó, diện tích sắn nhiều nhất là tại các thôn: Khe Bàn 1, 2; Xuân Sang 1, Mai Hồng 1, 2, 3; Khe Quạt... Tại các thôn này, cây sắn gần như phủ kín các triền đồi, nương ruộng. Cây sắn có lợi thế là kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu ra ổn định nên được nhiều hộ trồng.

Tân An đang chuyển dần từ trồng sắn sang trồng rừng.

Tân An đang chuyển dần từ trồng sắn sang trồng rừng.

Tuy nhiên, về môi trường, sắn là cây khóm, không có tán, gốc được làm cỏ sạch nên khi mưa xuống đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu. Thêm vào đó, canh tác với diện tích lớn khiến người dân không đủ sức làm cỏ theo cách truyền thống, mà thường sử dụng hóa chất diệt cỏ nên gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe của con người. Xét về hiệu quả kinh tế, sắn đứng gần cuối bảng so với các cây trồng trên địa bàn tỉnh. Nếu tính trên một đơn vị diện tích canh tác, thu nhập từ cây sắn chỉ khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha, thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, xã Tân An đang có chủ trương giảm diện tích cây sắn, chuyển đổi sinh kế cho người dân bằng những loại cây trồng khác phù hợp.

Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Xã không khuyến khích người dân trồng sắn do loại cây này gây bạc màu đất nhanh, cùng với đó là giá cả bấp bênh khiến thu nhập của người dân không ổn định. Những năm gần đây, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm diện tích sắn và đã có nhiều hộ chuyển đổi diện tích đất trồng sắn sang trồng rừng. Giai đoạn 2014 - 2016, xã thực hiện dự án trồng rừng thay thế nương sắn ven đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do tỉnh hỗ trợ được gần 100 ha rừng. Giai đoạn tới, xã phấn đấu mỗi năm vận động người dân thu hẹp 50 ha đất trồng sắn chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Ông Lương Quốc Thành (thôn Xuân Sang) cho biết: Trước đây, 5 ha đất nương đồi của gia đình chủ yếu trồng sắn nhưng lâu ngày đất bị rửa trôi, bạc màu, nếu tiếp tục trồng sắn với chi phí phân bón cao sẽ không lãi, do đó tôi chuyển sang trồng rừng.

Cũng nhận thấy hiệu quả thiết thực từ trồng rừng mang lại, ông Triệu Tiến Vạn (thôn Khe Bàn 1) hồ hởi nói: Gia đình tôi có 8,5 ha quế 6 năm tuổi. Bắt đầu từ năm thứ 5, gia đình tôi đã tỉa lá quế để bán, thu được hơn 10 triệu đồng/ha/năm. Chỉ vài năm nữa, khi quế đến tuổi thu hoạch vỏ, tôi ước tính thu được khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn ngoài sự mong đợi của gia đình mà trước đây khi trồng sắn tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Xã Tân An hiện có hơn 1.000 ha rừng, tăng 400 ha so với năm 2013. Riêng năm 2019, người dân trên địa bàn xã đã chuyển hơn 60 ha đất trồng sắn sang trồng rừng. Trên địa bàn hiện có 1 cơ sở chế biến tinh dầu quế và 2 cơ sở chế biến gỗ ván bóc, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gỗ của người dân. Nhiều gia đình có khoảng 5 - 10 ha rừng và có thu nhập cao từ trồng rừng như gia đình ông Tạ Đình Hải (thôn Xuân Sang) trồng 11,4 ha cây sưa đỏ, hiện tiền bán cây giống thu về hàng trăm triệu đồng/năm; gia đình ông Lý Văn Đăng (thôn Khe Bàn) trồng 5,2 ha cây bồ đề; hộ ông Triệu Tiến Vạn (thôn Khe Bàn 1) trồng 8,5 ha quế...

Diện tích rừng tại xã Tân An tăng nhờ chủ trương giảm diện tích trồng sắn. Đây là kết quả đáng mừng, mang lại hiệu quả đa lợi ích từ một chủ trương đúng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/giam-noi-lo-quanh-cay-san-z3n20190913170215126.htm