Giảm nỗi lo vaccine
Ngày 24/2, lô hàng 117.000 liều vaccine đầu tiên đã về đến Việt Nam. Đây thực sự là một tin vui đối với Việt Nam khi mà công cuộc phòng, chống Covid-19 đang bước sang những thời điểm quyết liệt. Giờ đây, chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã chuyển sang phương châm '5K+vaccine' và để làm tốt điều này, Chính phủ và người dân phải cần sớm xã hội hóa vaccine để có cơ hội mở rộng việc tiếp cận vaccine cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, chúng ta không thể ngay một lúc tiêm vaccine cho tất cả 100 triệu dân, nên phải có thứ tự ưu tiên. Trước hết là nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện. Được biết tới đây Chính phủ sẽ có một nghị quyết riêng để mở rộng đối tượng tiêm vaccine trên nguyên tắc: Đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau. Một quyết định hợp lý, thấu tình và đạt lý, chắc chắn sẽ được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Để làm được điều này cần có thêm các kênh nhập vaccine để chúng ta có được nhiều loại vaccine phù hợp, có giá rẻ, minh bạch cho người dân lựa chọn. Ngoài ra, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần vận dụng mọi cơ chế linh hoạt để không xảy ra ách tắc trong việc tiếp cận vaccine, nhanh chóng tiêm chủng cho các đối tượng được ưu tiên.
Hiện nay, với tư cách là đầu mối được Chính phủ giao Bộ Y tế đã tiếp cận với ba nguồn vaccine cung cấp cho Việt, đầu tiên là nguồn từ Chương trình COVAX với 30 triệu liều, cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu và hiện đang hoàn tất các thủ tục khác. Nguồn thứ hai là từ AstraZeneca, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng để thực hiện mua toàn bộ 30 triệu liều. Theo kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Y tế sẽ triển khai đấu thầu trong thời gian nhanh nhất để phục vụ người dân. Ngoài ra, Bộ cũng đang đàm phán với Pfizer để hãng này sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ cũng đang đàm phán và tiếp cận nguồn vắc xin từ một số nước như Nga, Ấn Độ và doanh nghiệp khác.
Việc xã hội hóa vaccine ngoài việc để có đủ lượng vaccine cần thiết với giá rẻ thì đôi khi còn liên quan đến vấn đề kỹ thuật mà nếu cứ tiến hành với quy trình bình thường sẽ khó lòng đáp ứng được. Đơn cử vaccine của hãng Pfizer có một số điều kiện về bảo quản và bắt buộc phải tiêm 5 ngày sau khi rã đông nên cần phải đàm phán và huy động xã hội hóa để thực hiện hiệu quả.
Hiện nay, Hà Nội và một số địa phương khác cũng đã chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế riêng để các tỉnh thành có thể trực tiếp tiếp cận nguồn vaccine. "Thành phố mong muốn đăng ký mua vaccine tiêm cho tất cả người dân thủ đô" - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết. Đây chính là thời điểm để chính quyền địa phương các tỉnh, thành thể hiện trách nhiệm đối với tính mạng của người dân và cũng là phương án sớm khôi phục lại điều kiện sinh hoạt bình thường của xã hội.
Câu chuyện xã hội hóa vaccine còn liên quan đến nhà vận chuyển bởi chúng ta hiểu rằng chỉ có các hãng hàng không có hệ thống kho lạnh hiện đại, dịch vụ hậu cần đúng chuẩn cùng quy trình vận chuyển hàng hóa đông lạnh toàn diện theo tiêu chuẩn mới được phép vận chuyển. Theo quy định thì toàn bộ quá trình vận chuyển vaccine từ máy bay đến kho hàng phải được áp tải, giám sát chặt chẽ bằng camera cho đến khi lô hàng được thông quan, bàn giao.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giam-noi-lo-vaccine-411211.html